Theo kế hoạch của Bộ GTVT, sáng 16-5, tại Bến Tre, Bộ GTVT chính thức tổ chức lễ cắt băng khánh thành, thông xe cầu Cổ Chiên - nối liền tỉnh Bến Tre với Trà Vinh. Cầu Cổ Chiên là một trong bốn cầu lớn trên quốc lộ 60 (gồm cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Ngãi - đang xúc tiến mời gọi đầu tư), là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa quốc lộ 60 với các tuyến quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cầu Cổ Chiên cũng sẽ kết nối quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TP.HCM đến Trà Vinh chỉ còn 100 km, trong khi lưu thông theo hướng QL1 hiện nay phải đi qua chặng đường 170 km. Thông thương hàng hóa từ hành lang duyên hải phía đông ĐBSCL lên TP.HCM và ngược lại.
Sơ đồ rút ngắn đường đi từ TP.HCM đến Trà Vinh khi cầu Cổ Chiên được chính thức thông xe. Đồ họa: MINH PHONG
Cầu Cổ Chiên không chỉ rút ngắn về thời gian, khoảng cách cự ly đường ngắn hơn mà việc chuyên chở hàng hóa của Trà Vinh đi TP.HCM và Đông Nam Bộ càng thuận lợi khi không phải chịu cảnh xe chờ nằm phà.
Qua sông giờ hết lụy phà
“Mừng dữ lắm chú ơi! Xưa qua sông chèo xuồng cực nhọc, có phà nhưng cũng phải đợi chờ chen lấn. Giờ mần cây cầu này xong dân tụi tui vui hết cỡ. Xe Honda, xe hơi chạy rẹt cái từ bên Trà Vinh mình qua tới Bến Tre. Ngày mai thông cầu xong, tui với mấy ông bạn ở Đại Phước đã bàn rồi, tụi tui sẽ lội bộ qua bên Mỏ Cày thăm mấy ông bạn bên đó để mừng xứ mình với quê bạn không còn cách sông, cách phà” - ông Phan Văn Nị (Sáu Nị - 62 tuổi, nhà ở Rạch Sen, xã Đại Phước, huyện Càng Long, Trà Vinh) thổi một tràng dài khi gặp tôi ở ngay đường dẫn vào cầu Cổ Chiên ngày 15-5.
Hỏi ra mới biết ông Sáu Nị nôn quá nên tranh thủ lội ra cầu thăm chừng không khí chuẩn bị cho ngày mai thông cầu. Nhớ ngày có đất bị giải tỏa để thi công đường dẫn cầu Cổ Chiên, khi họp dân thông báo dự án ông Sáu và bà con gật đầu cái rẹt và khi cầu bắt đầu khởi công bà con ai cũng ngóng chờ ngày hoàn thành để có thể một lần đặt chân đi trên cây cầu mơ ước.
Cầu Cổ Chiên trước ngày được khánh thành. Ảnh: GIA TUỆ
Không chỉ người dân Trà Vinh vỡ òa niềm vui khi cầu Cổ Chiên kết nối đôi bờ Trà Vinh với Bến Tre, mà người dân Bến Tre cũng háo hức, đợi chờ. Giữa trưa 15-5, ông Nguyễn Văn Sanh (66 tuổi, ở ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre (cách cầu Cổ Chiên) hơn 1 km lội bộ ra tận chân cầu để xem anh em công nhân hoàn thiện những phần việc cuối cùng trước giờ khánh thành vào sáng 16-5. “Trước đây, khu vực này là một cái cồn, dân toàn đi đò không hà. Dân ở đây không nghĩ đến có cầu bắc qua đây rồi kết nối đường sá thông thương. Nông dân ở đây rất mừng khi có cây cầu lớn như thế này. Đây là cả niềm mong ước, quý dữ lắm rồi”.
Theo ông Lê Quốc Dũng - Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 7), trong ngày 15-5, phần cầu chính anh em chỉ còn vệ sinh mặt cầu, kiểm tra lại hệ thống điện chiếu sáng. Đối với phần đường dẫn đến 14 giờ ngày 15-5 đã hoàn tất thảm nhựa mặt đường, còn đường dẫn bờ Trà Vinh các nhà thầu đang nỗ lực để chiều tối thậm chí đến sáng 16-5 sẽ hoàn tất việc thảm nhựa đảm bảo phục vụ thông cầu vào sáng cùng ngày…
Nối tiếp những bờ vui
Việc thông xe cầu Cổ Chiên có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ đối với Bến Tre, Trà Vinh và khu vực ĐBSCL, mà còn đối với cả nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác tiểu vùng sông Mekong. Cùng với cầu Cổ Chiên khánh thành và thông xe khơi thông và kết nối hành lang duyên hải phía đông thì thời gian tới cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu, nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng) đang được xúc tiến đầu tư xây dựng sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía đông của khu vực Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...
Chưa hết, hiện nay những cây cầu huyết mạch như cầu Cao Lãnh (vượt sông Tiền - PV) nối liền TP Cao Lãnh với huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, kết nối vào quốc lộ 80, rồi cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, trên quốc lộ 80 nối Đồng Tháp - Cần Thơ - An Giang) đang đẩy nhanh tiến độ và sắp sửa hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo nên mạch nối hạ tầng khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, kết nối khu vực phía tây của ĐBSCL tạo thành trục giao thông huyết mạch thứ hai song song với quốc lộ 1A...
Một ngày không xa, khi hai cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống hoàn thành, miền Tây Nam Bộ sẽ kết nối hoàn toàn với TP.HCM và cả nước.
Tuyến đường quốc lộ 60 có tổng chiều dài gần 127 km, là tuyến huyết mạch ở vùng duyên hải phía đông ĐBSCL gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, là quốc lộ nằm trong chiến lược phát triển một hành lang giao thông các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, nằm trong quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25-2-2013.
Cầu Cổ Chiên vượt sông Cổ Chiên trên quốc lộ 60, cách bến phà hiện hữu khoảng 3,6 km về phía hạ lưu, thuộc địa phận huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre và huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Dự án cầu bao gồm dự án thành phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 2,308 tỉ đồng (vốn BOT: 1,244 tỉ đồng, ngân sách nhà nước: 1,044 tỉ đồng) và dự án thành phần 2 đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 997 tỉ đồng.
________________________________________
Với Trà Vinh, cầu Cổ Chiên hoàn thành thông xe là sự kiện quan trọng với tỉnh, góp phần to lớn tạo động lực để thu hút đầu tư, thông thương hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã chuẩn bị sẵn tư thế khi đã đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, mời gọi đầu tư đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế… từ đó thuận lợi cho nhà đầu tư khi về với tỉnh để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư với hạ tầng đã được xây dựng sẵn.
Ông ĐỒNG VĂN LÂM, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh
Đây là dự án đặc biệt quan trọng với hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và vùng ĐBSCL. Họp Chính phủ lần nào Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đều hỏi về tiến độ cầu Cổ Chiên. Khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn hơn 70 km từ Trà Vinh đến TP.HCM nên sớm đưa vào sử dụng ngày nào lợi cho dân ngày đó.
Bộ trưởng Bộ GTVT ĐINH LA THĂNG nói khi kiểm tra tiến độ cầu Cổ Chiên đầu tháng 2-2015
Vui lòng nhập nội dung bình luận.