Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
HLV Eriksson đối đầu Scolari
Đội bóng Shanghai S.I.P.G được dẫn dắt bởi cựu huấn luyện viên (HLV) tuyển Anh Sven Goran Eriksson đã phá kỷ lục về số tiền chuyển nhượng cầu thủ ở châu Á mùa hè này, khi ký hợp đồng mua Asamoah Gyan với giá 20 triệu USD từ CLB Al Ain của UAE. Gyan là thủ quân của tuyển Ghana tại World Cup 2014.
Shanghai S.I.P.G phá kỷ lục về số tiền chuyển nhượng cầu thủ châu Á khi chi 20 triệu USD “tậu” Asamoah Gyan (phải). Ảnh: I.T
Đối thủ cùng thành phố Thượng Hải của S.I.P.G là Shanghai Shenhua cũng bỏ 16 triệu USD để ký hợp đồng với tiền đạo Demba Ba từ Chelsea. Trong khi đội Guangzhou Evergrande ở thành phố Quảng Châu đang nhắm tới chức vô địch Trung Quốc thứ 5 liên tiếp khi chiêu mộ các ngôi sao người Brazil là Paulinho và Robinho. Dẫn dắt Evergrande là một HLV quen thuộc: Luiz Felipe Scolari. Như vậy, trong bảng lương của Evergrande hiện có 14 người Brazil: 6 cầu thủ, HLV Scolari và các trợ lý của ông. Trước đó, Evergrande được những người Italia danh tiếng là Marcelo Lippi và Fabio Cannavaro dẫn dắt. Lippi đã giúp họ vô địch Champions League châu Á 2013.
Trận đấu giữa đội đầu bảng Shanghai S.I.P.G và đội nhì bảng Guangzhou Evergrande ngày 12.9 tới mang tính quyết định đến chức vô địch mùa giải năm nay. S.I.P.G có 52 điểm sau 24 vòng, Evergrande chỉ kém 1 điểm, trong khi giải đấu có tổng cộng 30 vòng. Đây là một cuộc đấu thú vị trên băng ghế huấn luyện. Khi dẫn dắt tuyển Anh, Eriksson 3 lần liên tiếp bị loại ở giải lớn bởi đội bóng được Scolari dẫn dắt. World Cup 2002, Brazil của Scolari hạ Anh 2-1 tại vòng tứ kết. Euro 2004 và World Cup 2006, Bồ Đào Nha của Scolari đều hạ Anh của Eriksson tại vòng tứ kết.
Trung Quốc cần thêm thời gian
Làn sóng ngoại binh đã mang đến sự sôi động cho các sân bóng Trung Quốc Lượng khán giả trung bình ở các trận đấu Chinese Super League tăng từ 16.000 năm 2009 lên 23.000 trong mùa giải này. |
Những cầu thủ tên tuổi đến giúp các đội hàng đầu Trung Quốc cạnh tranh với các đội bóng từ Nhật Bản và Hàn Quốc ở giải Champions League châu Á. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra với đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Tháng trước, đội hình mạnh nhất Trung Quốc thua đội hình thử nghiệm của Hàn Quốc 0-2 ngay trên sân nhà Vũ Hán. Trung Quốc mới chỉ hạ Hàn Quốc 1 lần sau 29 trận đối đầu.
Tuyển thủ quốc gia Montenegro Dejan Damjanovic (từng là vua phá lưới giải vô địch quốc gia Hàn Quốc K-League từ năm 2007 đến 2013 trong màu áo FC Seoul), hiện thi đấu cho CLB Beijing Guoan của Trung Quốc, tin rằng, sự đổ xô của các cầu thủ nhập khẩu sẽ giúp các cầu thủ người Trung Quốc nâng cao trình độ. Nhưng anh cho rằng cần phải có thời gian vì hiện tại các cầu thủ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn giỏi hơn các cầu thủ Trung Quốc. “Các CLB muốn thành công nhanh vì thế họ chọn cách đầu tư mạnh vào các cầu thủ nước ngoài. Cạnh tranh một vị trí lâu dài trong đội bóng là điều khá khó khăn đối với một cầu thủ nước ngoài” - Damjanovic nói.
Damjanovic cũng cho rằng một số cầu thủ nước ngoài giúp các cầu thủ nội phát triển. Nhưng một số khác chỉ đến đây kiếm những khoản tiền lớn trong ngắn hạn. Shanghai Shenhua ký với 2 danh thủ Nicolas Anelka và Didier Drogba vào hè 2012. Khi họ đến, ông chủ Zhu Jun của đội bóng cho rằng mối quan hệ giữa CLB và các siêu sao không phải là “tình một đêm”. Vậy rồi cả hai đều đi khỏi Trung Quốc khi năm 2012 chưa kết thúc. Evergrande của HLV Lippi trước kia cũng mua các tuyển thủ Italia Alessandro Diamanti và Alberto Gilardino. Tuy nhiên, cả hai chỉ ở Trung Quốc cộng lại 17 tháng.
HLV đội tuyển quốc gia Trung Quốc - ông Alain Perrin (người Pháp) cho rằng đội tuyển chỉ khá một cách vượt bậc nếu như các cầu thủ Trung Quốc sang châu Âu thi đấu nhiều như các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng Trung Quốc không có cầu thủ nào xuất chúng như Shinji Kagawa để có khả năng thi đấu cho đội bóng lớn như Dortmund. Mà đến các CLB nhỏ ở châu Âu để tiến bộ thì các cầu thủ trẻ Trung Quốc không muốn, vì việc gì phải đi đâu khi mà ở nhà kiếm được nhiều tiền hơn?!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.