Trước thông tin từ mùa giải mới, các câu lạc bộ bị nghiêm cấm trả phí ký hợp đồng (phí lót tay) cho cầu thủ, cựu tuyển thủ U23 quốc gia Đinh Thanh Trung - người đang chuẩn bị chuyển từ đội hạng Nhất Quảng Nam tới đội V.League Hà Nội T&T tâm sự:
“Nếu như thế thì chết chúng tôi. Cầu thủ chỉ mong chờ vào những khoản tiền chuyển nhượng thì mới tích lũy được một chút làm vốn liếng sau khi giải nghệ. Giờ mất khoản này, lương lại bị giảm nữa thì sốc lắm. Yêu, đam mê nghề thật nhưng nếu bị “ép” quá, cũng phải tính tới khả năng “treo giày” sớm đi tìm nghề khác thôi”.
|
Cầu thủ Đinh Thanh Trung cho rằng cầu thủ sẽ rất sốc nếu bị cắt phí lót tay |
Chia sẻ với lo lắng của Thanh Trung, thủ môn từng không ít lần khoác áo đội tuyển quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng (V.Ninh Bình) bộc bạch: “Nếu điều đó trở thành hiện thực thì quá thiệt thòi cho cầu thủ. Lựa chọn đi đá bóng có nghĩa là chúng tôi đã phải chấp nhận nhiều rủi ro. Từ khi 12-13 tuổi đã đi tập bóng đá và không học hành được gì. 7-8 năm sau, rất nhiều người không trụ nổi với nghề và không biết làm gì sau đó. Nói cách khác, những người trụ lại được đã phải nỗ lực rất nhiều. Và nếu may mắn cũng chỉ có thể chơi bóng đá đỉnh cao khoảng 10 năm”.
Mạnh Dũng phân tích những năm qua, cỡ những cầu thủ từng khoác áo đội U23, đội tuyển quốc gia, tính trung bình có được khoảng 1 tỷ đồng/năm tiền chuyển nhượng. Lương khoảng 20-30 triệu đồng. Tính ra 1 năm tổng thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng. Tất cả chi tiêu, sinh hoạt, chữa trị chấn thương… đều ở đó. Nếu tiết kiệm, sau 10 năm cũng chỉ giữ được khoảng 3-5 tỷ đồng. Số tiền đó tưởng là lớn nhưng sẽ chẳng đáng là bao nếu biết rằng sau khi giã từ sân cỏ, cầu thủ sẽ phải tiêu tốn rất nhiều chi phí để làm quen với nghề khác.
|
Thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng nghĩ cầu thủ sẽ quá thiệt thòi nếu không có phí lót tay |
“Quanh năm đá bóng, tập huấn, mọi mối quan hệ xã hội, va vấp xã hội của giới cầu thủ bị hạn chế rất nhiều. Khi không còn chơi bóng nữa, chúng tôi gần như phải làm lại từ đầu ở tuổi ngoài 30. Thà cứ như thời bao cấp còn hơn, sau khi không đá bóng nữa, sẽ được biên chế vào cơ quan nhà nước làm việc. Còn bây giờ, nếu cùng lúc giảm lương, thưởng, rồi cắt cả phí lót tay thì tôi e nhiều người sẽ bỏ nghề. Các bậc phụ huynh cũng không dám cho con mình theo nghiệp bóng đá nữa. Ở nước ngoài, cầu thủ chuyển nhượng không có tiền lót tay nhưng bù lại lương họ tính theo tuần và được trả rất cao”, Dũng nói.
Với tư cách từng là một cầu thủ danh tiếng và sau này là một huấn luyện viên giỏi của bóng đá Việt Nam, ông Lê Thụy Hải bày tỏ quan điểm: “Ai đó bảo cầu thủ Việt Nam thời gian qua được sống cuộc sống quá sung sướng, tận hưởng quá nhiều là chưa chính xác. Tôi hiểu cầu thủ phải hy sinh nhiều lắm. Môi trường giao tiếp bị thu hẹp, làm gì cũng bị cấm đoán, kỷ luật, chứ không được thoải mái như các nghề khác đâu. Vì sao bóng đá là môn thể thao vua? Vì mọi người, mọi tầng lớp đều yêu thích nó. Cầu thủ là một nghề đặc biệt và họ xứng đáng được hưởng những ưu đãi đặc biệt chứ”.
Theo ông Hải, trong số rất nhiều cầu thủ, có mấy ai có thể trở thành ngôi sao: “Đầu tiên, họ được trời phú cho khả năng bẩm sinh, rồi sau đó là 90% lao động, mồ hôi nước mắt mới được chút danh tiếng. Họ thường xuyên đối diện với rất nhiều rủi ro. Có khi vừa ký hợp đồng xong, chỉ sau một buổi tập đã hỏng chân. Có khi ra sân khởi động chuẩn bị đá chính đấy rồi lại bị chấn thương, mất nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều hệ quả khác cầu thủ phải đối mặt, trong đó có cả hạnh phúc gia đình mà những người ngoài cuộc không thể hiểu được. Đúng là bóng đá Việt Nam hiện nay khó khăn thật nhưng làm gì cũng phải làm từng bước, có lộ trình, bài bản, không thể nóng vội”, ông Hải chốt lại.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.