Chuyện các ông chủ "ép" cầu thủ Việt

Thứ năm, ngày 01/11/2012 12:44 PM (GMT+7)
Dân Việt - Nếu như 3-4 năm trước, cầu thủ bóng đá Việt Nam tha hồ “ép” ông chủ bằng nhiều cách như thi đấu vật vờ, “đi đêm” tìm đội bóng mới… để đòi tăng lương, thưởng, lót tay thì lúc này, mọi thứ đã xoay chiều…
Bình luận 0

Giảm lương hoặc ra đi

Trao đổi với Dân Việt sáng 1.11, HLV Vương Tiến Dũng nói: “Cứ nhìn chứng khoán, bất động sản, ngân hàng mấy năm trước thắng lớn nhưng nay lại đóng băng, khó khăn vô cùng là có thể hiểu những gì đang diễn ra ở BĐVN. Khi nhân viên nhiều ngân hàng còn phải đối mặt với nguy cơ sa thải, giảm lương, thì giới cầu thủ cũng không thể tránh khỏi vòng quay đó”.

img
Cầu thủ V.League lao đao vì bị các ông chủ “ép” trong thời “bão giá”. Ảnh Minh Hoàng

Thực tế, ngay cả những cầu thủ “có số” như Tài Em, Được Em, Việt Cường, Long Giang cũng đã chấp nhận giảm 20-30% lương để được chuyển tới thi đấu cho Sài Gòn.XT ở mùa giải 2013 sau khi Navibank.SG chính thức bị xóa tên, chuyển giao cho Công ty Xuân Thuỷ.

Lúc này, “phần còn lại” có trình độ làng nhàng của Navibank.SG đang đứng trước 2 lựa chọn: Hoặc tạm thời thất nghiệp hoặc chấp nhận tìm xuống hạng Nhất, thậm chí là hạng Nhì (khi đó đương nhiên thu nhập sẽ giảm rất nhiều, chuyên môn thui chột) để có chỗ dung thân (?!).

Dù không nói ra nhưng tình trạng của hai đội bóng Hà Nội (V.League), Trẻ Hà Nội (hạng Nhất) của bầu Kiên cũng tương tự như Navibank.SG. Đây là thời gian mọi cầu thủ, kể cả hai ngôi sao Công Vinh, Thành Lương được tự do “đi đêm” tìm kiếm bến đỗ mới miễn là đạt được thỏa thuận về số tiền đền bù hợp đồng.

Tương lai “màu hồng” nhất mà họ có thể nghĩ tới là đội Trẻ Hà Nội sẽ sáp nhập với Hà Nội để đá V.League. Lương, thưởng khi đó sẽ giảm đi rất nhiều nhưng dù sao vẫn còn đất dụng võ: “Lãnh đạo đội bóng đã nói phải chờ những diễn biến cụ thể ở Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013 do VFF, VPF tổ chức ngày 3.11 rồi mới có những kế hoạch cụ thể. Vậy nên, chúng tôi cũng chỉ biết chờ mà thôi”, huấn luyện viên Hoa Mạnh Hưng (Hà Nội) ngao ngán nói.

SLNA cầm đằng chuôi

Những năm trước, nếu như SLNA luôn phải sống trong sợ hãi với nỗi ám ảnh “chảy máu” tài năng thì sang năm nay, họ lại đang ung dung với lời tuyên bố dành cho mọi cầu thủ: “hãy ra đi nếu có thể!”.

Minh chứng rõ nhất là việc Văn Quyến dù tha thiết xin giảm lương để được ở lại nhưng SLNA vẫn ưu tiên phương án cho Quyến trở thành cầu thủ tự do chuyển tới đội khác: “Ngay cả những cầu thủ trẻ đầy triển vọng: Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn, Đình Đồng, Quang Tình, Ngọc Anh… sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối năm nay chúng tôi cũng chưa đàm phán lại với ai cả. Nếu họ tìm được đội bóng mới thì SLNA sẵn sàng tạo điều kiện cho đi”, ông Nguyễn Hồng Thanh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA nói.

Trong trường hợp đề xuất cầu thủ chỉ được chuyển nhượng tự do khi đã 25 tuổi (thay vì 23 như trước) trở thành hiện thực sau Hội nghị ngày 3.11 tới, thì SLNA (mới có tổng kinh phí 50 tỷ đồng gồm 30 tỷ từ nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á + 20 tỷ từ hỗ trợ của tỉnh để lo mọi khâu từ A đến Z) sẽ thu về thêm được 1 khoản tiền để đầu tư lại cho đào tạo trẻ cũng như lo cho đội 1 thi đấu V.League 2013 nếu chuyển nhượng những cầu thủ trụ cột của mình. Bằng không, họ cũng sẽ giữ được các “ngôi sao” mà không cần phải tốn kém.

Ông Trần Duy Ly, Trưởng ban tổ chức V.League: “Tính tới sáng 1.11, còn hai đội V.League là Hà Nội của anh Kiên, Navibank.SG và 2 đội hạng Nhất Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ Hà Nội chưa đăng ký. Trường hợp của Hà Nội T&T và Hà Nội mới thăng hạng V.League đều do ông Nguyễn Quốc Hội ký là không hợp lệ. Sáng nay, tôi đã giục và anh Hội cho biết đang xúc tiến chuyển giao suất V.League của Hà Nội cho một đối tác nhưng chưa thể công bố”. Theo ông Ly, VPF đã tính tới khả năng V.League 2013 có 12 đội và số lượng đó cũng được coi là ổn trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem