Cầu thủ Việt “há miệng mắc quai” với ông bầu

Thứ tư, ngày 10/10/2012 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Điều tưởng như bất thường nhưng lại rất... bình thường trong làng bóng đá Việt Nam lúc này là hầu hết các cầu thủ đều chọn giải pháp “im lặng”, bất chấp tương lai của họ đang rất bấp bênh...
Bình luận 0

Sợ mất cả chì lẫn chài

Lúc này, khi các ông bầu đua nhau tuyên bố dứt tình với bóng đá, sẽ rất ngô nghê nếu cho rằng giới quần đùi áo số với vô vàn mối quan hệ… dại, không biết kiện cáo để bảo vệ quyền lợi của mình. Khoản tiền nợ lương cỡ trung bình 20-30 triệu đồng/tháng/người nghe thì to thật, nhưng với mỗi cầu thủ, có cái còn lớn hơn nhiều!

img
Nhiều cầu thủ Việt Nam chưa biết tương lai gần sẽ ra sao.

Cần nói rõ là, điều khiến dư luận ngỡ ngàng nhất trong những năm “hoàng kim” của bóng đá Việt Nam (BĐVN) không nằm ở khoản tiền lương, mà là tiền lót tay. Ví dụ điển hình là năm 2008, Công Vinh chuyển từ SLNA tới Hà Nội T&T với số tiền trên 7 tỷ đồng. Và theo nguồn tin đáng tin cậy, tới năm 2011, khi “phá kèo” bỏ Hà Nội T&T, Vinh nhận khoảng 13 tỷ đồng trong bản hợp đồng 3 năm. Thấp hơn Vinh một chút, chuyện một số tuyển thủ mang mác U23, đội tuyển quốc gia nhận lót tay từ 5-10 tỷ đồng là bình thường.

Khúc mắc nằm ở chỗ, khi nhận tiền lót tay, hầu hết các cầu thủ “có số” đều được các ông bầu thỏa thuận miệng và họ cũng dễ dàng gật đầu bởi điều đó tránh cho họ phải nộp 1 khoản thuế thu nhập khá lớn (khoảng 100-200 triệu đồng/năm). Ở góc độ này, các ông bầu lão luyện đã đánh trúng điểm yếu hiểu biết hạn hẹp của giới cầu thủ. Ngược lại, giới quần đùi áo số tưởng mình đã thành “cáo” nhưng hóa ra vẫn là “cừu non” trong bàn cờ của các đại gia.

“Theo tôi được biết (và chính bản thân tôi) khi ký hợp đồng chỉ ghi rõ thời gian phục vụ đội bóng và tiền lương tháng. Tiền lót tay chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên và được chuyển làm nhiều lần. Vậy nên lúc này, có thể hiểu rất nhiều cầu thủ đang sợ, không dám kiện bởi nếu làm vậy chưa biết bao giờ đòi được khoản nợ lương-thưởng, mà có khi còn mất luôn cả một khoản tiền lót tay khá lớn mà doanh nghiệp chưa trả” - một cầu thủ từng khoác áo đội U23 quốc gia xin giấu tên cho biết.

“Con kiến kiện củ khoai”

Đó là chưa kể tới những trường hợp dũng cảm khởi kiện như cầu thủ Đinh Thanh Trung để “thoát” khỏi đội bóng Hà Nội của bầu Kiên trước đây cũng phải rất kiên trì, tốn rất nhiều công sức. Thậm chí bầu Kiên còn xem nhẹ cả lời “tuyên án” của Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ VFF, yêu cầu Trung phải xin lỗi rồi mới cho đi. Nhưng dù sao Trung vẫn là người may mắn! Thời điểm này, có rất nhiều tâm sự khó nói trong giới cầu thủ mà một ví dụ là trường hợp của thủ môn Mạnh Hà (Thanh Hóa).

“Phải căn cứ theo hợp đồng lao động, cầu thủ mới có thể khởi kiện. Không phải kiện 1 ông bầu cụ thể, mà kiện doanh nghiệp đứng ra đầu tư, bỏ tiền đầu tư cho đội bóng”.

Trao đổi với Dân Việt sáng qua (9.10), Mạnh Hà nói: “Năm ngoái, tôi ký hợp đồng 3 năm lót tay 1,2 tỷ đồng nhưng giờ mới nhận được một nửa. Đã thế, một năm qua, đội bóng đã chuyển tôi xuống làm việc cùng đội U19 với mức lương 4 triệu đồng/tháng, thay vì 25 triệu đồng/tháng như hợp đồng. Lãnh đạo đội bóng cũng tuyên bố sẽ không trả nốt khoản tiền lót tay cho tôi với lý do tôi không còn chơi ở V.League nữa. Tôi đã thuê luật sư ở Hà Nội nhưng cuối cùng lại mất thêm 30 triệu đồng mà chẳng giải quyết được việc gì. Lúc này, tôi nản lắm!”.

Ở đây, một lần nữa lỗ hổng kiến thức về luật trong giới cầu thủ, HLV lại lộ rõ. Có thể khi ký hợp đồng, họ đã không xem xét kỹ các điều khoản, các câu chữ để rồi sau này khi muốn đi tìm lối thoát cho sự nghiệp của mình cũng không phải chuyện đơn giản. Trường hợp của Mạnh Hà cũng chẳng khác là bao trường hợp của HLV Lư Đình Tuấn chấp nhận ngậm bồ hòn làm ngọt khi bị Sài Gòn SC bất ngờ sa thải bằng tin nhắn cách đây khoảng nửa năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem