Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, nhà thầu thi công đã có những phương án dự phòng để ứng phó với mùa mưa lũ. Trong điều kiện lũ lên cao, nếu cần thiết vẫn có thể thi công trụ cầu an toàn.
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng chiều dài bao gồm cả cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Cầu có 61 nhịp, trong đó 8 nhịp liên tục bằng dầm hộp đúc hẫng cân bằng vượt dòng chủ; 44 nhịp Super T vượt bãi sông phía Bắc; 3 nhịp trên đà giáo; cầu chính vượt dòng chủ dài 955m. Dự án khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, tiến độ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được đảm bảo tốt. Hiện đơn vị đã giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2021 của dự án.
Hiện nay, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang bước vào giai đoạn thi công phức tạp nhất, khoan cọc nhồi trên sông Hồng giữa mùa mưa bão. Trong số 4 trụ giữa sông Hồng, thi công khó nhất là trụ T19 với chiều dài cọc 53,5m. Theo trình tự, sau khi hoàn thành cọc khoan nhồi, sẽ thi công hố móng, rồi đến bệ thân, rồi đến thân trên, dầm chính. Riêng quá trình thi công cọc khoan nhồi sẽ kéo dài trong 3 tháng.
Công trường dự án có 11 đơn vị thi công với 11 mũi, huy động 552 nhân lực, làm việc 3 ca, 4 kíp, 24/24 giờ; 5/5 gói thầu xây lắp chính đã bước vào thi công; hoàn thành 495/562 cọc khoan nhồi, đổ bê tông 33/61 bệ trụ; hoàn thành đúc 81/396 phiến dầm.
Hiện nay hạng mục phức tạp nhất, khoan cọc nhồi 4 trụ cầu trên sông Hồng cũng đang được gấp rút thực hiện.
Ông Lê Linh - Giám đốc Ban điều hành dự án cho hay: "Tổng số nhân lực huy động thi công 4 mũi trên sông là 250 người; huy động 10 hệ phao nổi, nhiều nhất trong toàn bộ quá trình thi công để phục vụ 4 dây chuyền khoan cọc. Nhà thầu đã có những phương án dự phòng để ứng phó với mùa mưa lũ. Trong điều kiện lũ lên cao, nếu cần thiết vẫn có thể thi công trụ cầu an toàn, đảm bảo tiến độ".
Theo ông Linh, đến thời điểm này thời tiết tương đối thuận lợi chưa ảnh hưởng nhiều đến công tác thi công. Tất cả máy móc, thiết bị khoan cọc được tập trung trên các hệ nổi với 10 xà lan, mỗi trụ 2 xà lan loại từ 800 - 1.700 tấn, trong đó một xà lan dành riêng để đặt trạm cấp bê tông. Ngoài ra còn có 2 xà lan trung chuyển vật liệu, phế liệu.
Ông Nguyễn Xuân Tân-Chủ tịch Hội cầu đường Hà Nội cho biết: "Theo dự kiến, năm 2023 đường vành đai 2 trên cao sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng, và được kết nối với cầu Vĩnh Tuy. Mà hiện nay, Cầu Vĩnh Tuy mới chỉ khai thác ở 1 tuyến, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các khung giờ cao điểm. Khi đó, nếu không nhanh chóng xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thì khi tuyến đường vành đai 2 được thông suốt, sẽ tạo thành nút thắt giao thông vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo cho các phương tiện được lưu thông thông suốt trên vành đai 2 và các tuyến đường lân cận, việc đầu tư và xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với mạng lưới giao thông của Hà Nội".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.