Mỗi chuyên gia giải thích một kiểu
Hỏi ông P., 65 tuổi, ngồi chờ khám, ông cho biết mình bị đau dây thần kinh toạ nửa năm nay, chữa tây y hoài không hết, nên ông tìm đến phòng khám này điều trị xem sao. Ông nói: “Hai tuần trước bác sĩ cấy chỉ vào lưng tôi, về nhà thấy cũng đỡ đau chút chút, nhưng bác sĩ bảo phải cấy thêm hai lần nữa, vì thế tôi quay lại để chữa tiếp”.
Không giống như ông P., anh L., 44 tuổi, cũng đi cấy chỉ, nhưng chẳng thấy hiệu quả. Anh nói: “Khám tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình, bác sĩ bảo tôi bị thoát vị đĩa đệm nặng cần phẫu thuật. Nhưng do sợ mổ, tôi đi cấy chỉ xem sao. Thật tình khi cấy xong tôi chẳng hề bớt đau chút nào, vẫn phải uống thuốc tây. Có lẽ tôi phải sang chữa theo tây y”.
Không khác gì giả dược
Theo một chuyên gia hô hấp, cấy chỉ mang lại tác dụng nhất thời cho một số người có thể do yếu tố tâm lý mang lại. Chuyên gia này nói: “Nếu bạn là bác sĩ tạo được niềm tin cho bệnh nhân, bạn có thể chữa được mọi căn bệnh cho họ mà chẳng cần đến thuốc men. Theo tôi, cấy chỉ chữa bệnh chẳng khác gì placebo (giả dược)”.
Theo giới chuyên môn, cấy chỉ – hay còn gọi là nhu châm, vùi chỉ – được du nhập vào nước ta vào những năm 1960, sau đó được phát triển thêm lên. Ở đây người ta dùng kim cấy lên da bệnh nhân một cọng chỉ catgut, loại chỉ làm từ ruột cừu dùng trong phẫu thuật có khả năng tự tiêu trong 2 – 3 tuần.
Giải thích cơ chế tác dụng của cấy chỉ, BS Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, nói: “Trong châm cứu bình thường, người ta châm kim vào huyệt đạo để một hồi rồi rút ra, như thế tác dụng chỉ nhất thời. Còn với cấy chỉ, chỉ lưu lại nhiều ngày rồi mới tiêu, tác dụng sẽ kéo dài hơn. Trước đây người ta cấy nhau, nhưng bây giờ cấy nhau rất phiền phức và độ an toàn không cao, nên chuyển sang cấy chỉ catgut”.
Nhưng khác với giải thích trên, một giảng viên khoa Y học cổ truyền đại học Y dược TP.HCM, lại giải thích bằng… tây y. Giảng viên này nói: “Cấy chỉ không cần tính đến huyệt vị, người ta cấy trên các hạch giao cảm. Cấy chỉ ngày nay gần như ai cũng có thể làm được, không phải đông y nữa mà đã tây y hoá vì chỉ catgut bản thân là sản phẩm của tây y. Ở đây, chỉ là một vật lạ, có tác dụng như kháng nguyên. Khi cấy vào người, cơ thể sẽ huy động kháng thể để chống lại, từ đó sẽ chữa được bệnh”.
Cẩn thận với tác dụng phụ
Cấy chỉ còn được áp dụng để chữa nhiều bệnh, trong đó có hen suyễn và… tự kỷ. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn tây y, chưa có bằng chứng khoa học nào về chuyện này.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội Hô hấp TP.HCM, nói: “Hen suyễn có đợt, nếu cấy chỉ vào thời điểm không có đợt, bệnh nhân nghĩ là do tác dụng của cấy chỉ, nhưng thật ra đó chỉ là ngẫu nhiên. Phương pháp này không có cơ sở khoa học, chưa kể người hen suyễn rất dễ bị dị ứng, đưa một chất lạ vào cơ thể họ có thể tạo ra phản ứng dữ dội”.
Cũng đáng lo khi cấy chỉ có thể dẫn đến những hậu quả chưa được nói đến. Năm 2011, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM từng chữa trị một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng sau khi được cấy chỉ vào người để chữa hen suyễn. Theo một bác sĩ khoa hô hấp của bệnh viện này, đây không phải trường hợp cá biệt, ngoài ra bệnh viện còn gặp không ít trường hợp “tiền mất, tật mang” vì đã tốn nhiều tiền cho cấy chỉ nhưng hen suyễn vẫn không hết, thậm chí tính mạng còn bị đe doạ do bệnh nhân không dùng thuốc tây để cắt cơn.
Một giảng viên đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ: “Tôi có niềm tin vào cấy chỉ vì tận mắt chứng kiến người thân là đông y sĩ dùng cách này chữa hết bệnh cho một số người. Nhưng cũng như nhiều phương pháp đông y khác, để phát triển được, cấy chỉ cần được làm nghiên cứu khoa học một cách bài bản, chứ không thể nói theo cảm tính”.
Thật vậy, đến nay số lượng nghiên cứu khoa học về cấy chỉ công bố ở nước ta chưa thấy nhiều, chưa kể hầu như không có nghiên cứu nào công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế dù nó được ca ngợi không hết lời trên mạng.
Đáng lưu ý là cách đây một năm, khi trả lời giới truyền thông, một bác sĩ từng đứng đầu hội Đông y Việt Nam cho rằng tại Trung Quốc, nơi sản sinh phương pháp cấy chỉ, người ta đã bỏ nó từ lâu. Chuyên gia này nói: “Từ năm 1965 – 1973, người Trung Quốc thử nghiệm cấy chỉ để chữa bệnh, nhưng do không mang lại hiệu quả cao vì thế họ không còn áp dụng nữa. Ở nước ta, nhiều nơi còn áp dụng vì có lẽ người thầy thuốc chưa cập nhật thông tin”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.