Cây mới trồng đổ lộ lưới bọc sau dông lốc: Chuyên gia nói gì?

Công Phương-Dương Tùng Thứ hai, ngày 15/06/2015 21:26 PM (GMT+7)
Sau dông lốc, Hà Nội có nhiều cây mới trồng bị đổ, gốc cây bật lên lộ ra dây dợ, lưới đen, trắng… quấn quanh, đã khiến dư luận xôn xao.
Bình luận 0
Thống kê của Sở Xây dựng TP.Hà Nội, sau cơn cuồng phong chiều 13.6, có 1.300 cây xanh bị gãy đổ, trong đó hơn 800 cây xanh ở khu vực các quận nội thành. Có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy, đường kính từ 50-150cm, còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng, bằng lăng...

Sau dông lốc, đáng chú ý trong số những cây bị gãy đổ, có những cây còn nguyên cả nylon, lưới, dây quấn quanh bầu đất. Nhiều ý kiến cho rằng đây là “kỹ thuật” trồng cây khá lạ trên đường phố Hà Nội.

img
Trồng cây còn nguyên lưới bọc bầu. (Nguồn: Bạch Hải-Otofun)
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Nguyễn Thị Yến, chuyên gia về cây xanh và kỹ thuật trồng cho biết: Trong quy trình trồng cây, phải cắt bỏ dây dợ và lưới bọc bầu trước khi trồng. Khi đó, rễ cây tiếp xúc với đất, vi sinh vật sẽ phát triển nhanh, ra rễ mới và lên lá. Chỉ để bầu cây khi dùng lưới tự hủy, khi trồng cây sẽ không cần cắt bỏ lớp lưới bọc bầu. Tuy nhiên, lưới tự hủy vẫn còn ít dùng, chưa phổ biến.

"Mặt khác, đặc tính của lưới tự hủy là sẽ tự hủy sau 2-3 tháng. Nếu sau 2-3 tháng lưới vẫn còn thì đó không phải là lưới tự hủy. Trồng cây vẫn còn bọc lưới, dây dợ quanh bầu sẽ làm cây khó phát triển, chậm mọc rễ. Có thể đánh giá là quy trình kỹ thuật trồng cây đang có nhiều sai sót, khiến cây chậm phát triển", tiến sĩ Yến nói.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết: Thông thường khi trồng cây, dễ cây cần thoáng, tiếp xúc với đất, vi sinh vật để cây phát triển, không nên có vỏ bọc nylon hay lưới làm ảnh hưởng quá trình tiếp xúc.

Ông Huỳnh cho rằng, trong vụ việc trên, người trồng có thể là công nhân được thuê, không phải cán bộ kỹ thuật nên không có kiến thức. Cùng với đó, những công nhân trồng không được giám sát chặt chẽ, nên họ để nguyên, không gỡ nylon mang từ vườn ươm về trồng. Do vậy, các nhà quản lý việc trồng cây cần có cơ chế giám sát kỹ từng cây được trồng. Đồng thời, có bảng hướng dẫn trồng cây rõ ràng trang bị cho công nhân trồng cây.

img
Một cây mới trồng lộ vẫn bọc nylon ở bầu gốc sau trận cuồng phong ngày 13.6. Nguồn: Sa Phi-Otofun
Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam - cho biết, ông chưa được xem trực tiếp gốc cây bị đổ bọc nylon hay bọc lưới. Ông cho rằng, nếu trồng cây vẫn còn bọc nylon thì “hơi lạ”, bởi rễ cây không chui qua nylon được. Nếu bọc lưới, cây vẫn phát triển vì lưới có chỗ hở để rễ cây chui qua.

Theo tiến sĩ Đặng Văn Hà - chuyên gia về cây trồng đô thị, lưới đen bao quanh bầu cây là để giữ bầu cây không bị vỡ trong quá trình vận chuyển. Khi trồng cây, cần cắt bỏ lưới, dây dợ… đi rồi mới trồng xuống đất sẽ giúp cây phát triển tốt hơn. Tuy lưới đen vẫn đảm bảo thoáng khí, rễ vẫn hô hấp, trao đổi chất, thấm nước được bình thường nhưng sẽ làm chậm sự phát triển của cây.

Trận dông lốc chiều 13.6 tại Hà Nội đã làm ít nhất 2 người chết, 10 người bị thương và hàng nghìn cây xanh bị đổ, gãy khắp các quận nội thành của thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem