CEO của Vietjet Air trở thành người giàu thứ 3 sàn chứng khoán

Quốc Hải Thứ ba, ngày 28/02/2017 14:34 PM (GMT+7)
Tăng trần ngay phiên đầu tiên lên sàn, cổ phiếu Vietjet Air (mã VJC) đã giúp CEO của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo vượt qua hàng loạt doanh nhân tên tuổi để trở thành người giàu thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam...
Bình luận 0

img

 

Sáng nay 28.2, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thêm một doanh nghiệp nghìn tỷ được niêm yết – Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet. Đây cũng là cổ phiếu hàng không đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vì trước đó Hãng hàng không Việt Nam (VietnamAirlines) cũng chỉ giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM.

Giá chào sàn cho cổ phiếu VJC là 90.000 đồng/CP. Tại mức giá 90.000 đồng, vốn hóa của Vietjet đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD. Với biên độ dao động +/-20% thì trong phiên đầu tiên, thị giá VJC sẽ dao động từ 72.000-108.000 đồng. Tuy nhiên, ngay khi mở cửa phiên giao dịch, lượng đặt mua VJC được đẩy lên giá trần 108.000 đồng/CP với gần 5 triệu đơn vị nhưng chỉ có vỏn vẹn... 10 cổ phiếu được khớp lệnh.

Trước đó, theo bản cáo bạch được công bố, Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12.1.2017. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), CEO Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Như vậy, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc của Vietjet, đồng thời là chủ sở hữu 100% vốn của công ty Hướng Dương Sunny sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu trong tay 32,66% cổ phần của Vietjet. Với mức giá trần ngay trong phiên chào sàn ở mức 108.000 đồng/CP, tổng tài sản của bà Thảo có giá trị lên đến 10.580 tỷ đồng; trở thành người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và xếp thứ 3 trong danh sách 10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán khi giá trị cổ phiếu bà nắm giữ chỉ thua tỷ phú Trịnh Văn Quyết (43.360 tỷ đồng) và tỷ phú Phạm Nhật Vượng (33.266 tỷ đồng).

Ngoài vị trí Tổng giám đốc VietJetAir, Chủ tịch HĐTV Hướng dương Sunny, bà Thảo còn nắm giữ vị trí chủ chốt tại nhiều đơn vị khác như: phó chủ tịch HĐQT HDBank, Chủ tịch HĐQT Sovico,... Những doang nghiệp này ít nhiều đều năm giữ một lượng cổ phiếu VJC nhất định như: HDBank (giữ 4,5% cổ phiếu VJC); Sovico (4,9%) nên lượng tài sản của bà Thảo cũng không chỉ dừng lại ở con số hơn 10.580 tỷ đồng.

Trong khi đó, đánh giá về cổ phiếu VJC, nhiều công ty chứng khoán lại cho rằng thị giá của VJC có thể sẽ tăng thêm trong những phiên sắp tới. Đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mức giá kỳ vọng của VJC phải là 143.400 đồng/CP mới phù hợp với mặt bằng P/E và EV/EBITDA khu vực, tức cao hơn 60% so với giá chào sàn của VJC hiện tại (90.000 đồng/CP); tại giá này, P/E của VJC là 12,48 lần.

Kỳ vọng hơn nữa, đại diện CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI đưa ra mức giá kỳ vọng của VJC sẽ đạt tới 150.000 đồng/CP. Nếu mức giá VJC đạt được kỳ vọng này, cùng lượng cổ phiếu VJC mà CEO Phương Thảo nắm lên tới 97.975.676 cổ phần, tổng tài sản của bà Phương Thảo sẽ lên tới hơn 14.696 tỷ đồng, bỏ xa người xếp hạng thứ 4 trên sàn chứng khoán là ông Trần Đình Long (Thép Hòa Phát – 8.924 tỷ đồng) và người xếp thứ 5 là ông Bùi Thành Nhơn (Novaland – 7.824 tỷ đồng).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, bà là Tiến sĩ điều khiển học kinh tế, là Cử nhân quản lý kinh tế lao động-Đại học Kinh tế Quốc dân Matxcova – Nga; Cử nhân Tài chính Tín dụng (Học viện Thương mại Matxcova – Nga). Bà Thảo được biết đến như một người tạo ra rất nhiều thay đổi lớn trong ngành hàng không Việt Nam; thậm chí báo chí phương Tây cũng biết đến VietjetAir với tên gọi là "Bikini Airlines"...

Nhờ chiến lược marketing xuất sắc cùng với hướng đi đúng đắn, hiện thị phần nội địa của VietJetAir đã ngang ngửa với VietnamAirlines, bỏ xa hãng hàng không giá rẻ còn lại là Jetstar Pacific.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem