Cảnh báo về những hội nhóm nguy hại xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 02/11/2023 06:27 AM (GMT+7)
Việc các hội nhóm kín hay công khai thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời… khiến nhiều phụ huynh, bác sĩ không khỏi ngỡ ngàng, lo ngại.
Bình luận 0

Cha mẹ ngỡ ngàng trước những hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng

Những năm gây, mạng xã hội bùng nổ, phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh việc mang lại nhiều tiện ích, giúp mọi người có thể giao tiếp, kết nối với nhau nhiều hơn thì mạng xã hội cũng có thể gây ra nhiều tác động ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người dùng.

Cách đây 5 năm, thông tin về trò chơi có tên gọi "Thử thách cá voi xanh" đã xuất hiện ở Việt Nam khiến nhiều người không khỏi lo ngại, bởi nó có thể ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí cả tính mạng người chơi. Lo ngại đó là xác đáng, bởi trò chơi "Thử thách cá voi xanh" đã lan rộng và gieo rắc nỗi sợ hãi đến nhiều nước trên thế giới.

Cũng thời điểm đó, các video dạy trẻ em tự sát hoặc dọa nạt giết trẻ em. Trong đó, tiêu biểu là các clip Thử thách Momo (Momo challenge) với hình ảnh phản cảm, hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân hoặc dọa nạt giết trẻ em trong đêm... 

Cha mẹ, bác sĩ ngỡ ngàng trước những hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng  - Ảnh 2.

Những thông tin, chia sẻ tiêu cực trong hội nhóm. Ảnh chụp màn hình

Rất đáng lo ngại khi thời gian gần đây, trên không gian mạng lại tiếp tục xuất hiện nhiều hội nhóm kín thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, muốn tự tử thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời.

Những hội nhóm này thu hút hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia, hoạt động dưới hình thức công khai hoặc nhóm kín. Trong số này đa phần là tuổi vị thành niên...

Mặc dù "tiêu đề" được ghi rõ nội dung: "Nhóm không hẳn là để tự tử mà đặt tên nhóm thế này để nhắm vào những người có ý định tự tử, để chia sẻ nỗi buồn và lo âu, giải tỏa áp lực…", nhưng sau khi có bài viết được đăng tải thay vì động viên, nhiều người lại "xúi giục" những chủ nhân các bài viết tìm đến cái chết. Thậm chí còn xúi giục cụ thể cách tự tử như uống thuốc quá liều, uống thuốc độc hay hướng dẫn cách để chết nhanh, không gây đau đớn.

Cha mẹ, bác sĩ ngỡ ngàng trước những hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng  - Ảnh 3.

Thông tin đăng tải trên nhóm “Hội những người muốn tự tử” trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Đỗ Hải (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái 11 tuổi và 9 tuổi cho biết, bản thân không khỏi lo lắng, ngỡ ngàng trước những thông tin một số hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sức khoẻ, thậm chí tính mạng, trên mạng xã hội. 

"Điều lo lắng của tôi cũng như nhiều phụ huynh khác là có khi sợ ngày nghỉ mình đi làm, các con ở nhà tự mày mò những trang mạng phá cách, yêu đương sớm quá hay dễ bị chính những trang mạng xấu dẫn dụ học theo những điều tiêu cực như cãi cha mẹ, bỏ nhà đi, xúi nhau hút thuốc lá điện tử, chất độc kích thích, bóng cười... Trẻ vị thành niên đến tuổi thay đổi tính cách nếu không được giáo dục cẩn thận rất dễ bị sa ngã, học làm theo", anh Hải chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo như anh Hải, chị Lê Thuý (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học cấp 2 cũng không khỏi lo lắng khi các con đã ở tuổi dậy thì, tích cách thay đổi, thậm chí có lúc sống khép kín, thích làm theo ý mình. 

"Tôi không quát mắng gì con mà tìm cách nói chuyện trực tiếp với con có gì chia sẻ thẳng thắn cho mẹ. Trên mạng xã hội bên cạnh thông tin tốt có không ít tin xấu. Tôi cũng kiểm soát thời gian của con bằng cách dùng phần mềm điện thoại truy vào lịch sử con đã xem những gì. Từ đó mình sẽ có phương án phù hợp giáo dục con cái, tránh con sa ngã hay bức bách chuyện gì nhưng không dám chia sẻ với ai", chị Thuý nói.

Nếu rối loạn trầm cảm, sang chấn tâm lý kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tự sát

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Ái Vân - Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, những người có ý định tự sát thường nói về tự tử, chết chóc, không có lý do để sống. Họ dành nhiều thời gian bận tâm với cái chết, thu rút khỏi bạn bè hoặc hoạt động xã hội, mất hứng thú với sở thích, công việc, trường học và chuẩn bị cho cái chết.

Cha mẹ, bác sĩ ngỡ ngàng trước những hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng  - Ảnh 4.

Bệnh nhân điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh minh hoạ: Gia Khiêm

"Ước tính có trên 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm khiến trầm cảm được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là yêu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. Thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên. Tuổi khởi phát rối loạn trầm cảm trung bình là 18. 

Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh dưới 15 tuổi ngày càng gia tăng. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc dưới 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn. Nguy cơ cao dẫn đến tự sát khoảng 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm, tương đương 3.000 người chết vì tự sát mỗi ngày. Mỗi người chết vì tự sát có khoảng 20 người hoặc nhiều hơn có toan tự sát", bác sĩ Vân nêu.

Theo bác sĩ Vân, dấu hiệu cảnh báo những người có ý định tự sát đó là cho đi những tài sản được đánh giá cao, đã tự tử trước đây. Người chịu rủ ro không cần thiết, liều lĩnh, bốc đồng. Người mất sự quan tâm đến diện mạo cá nhân của họ, tăng cường sử dụng rượu bia hoặc ma tuý. Thậm chí những người có ý định tự sát như hay thể hiện cảm giác tuyệt vọng, phải đối mặt với tình trạng bị kỳ thị hoặc thất bại, có tiền sử bạo lực hoặc thù địch, không thiện ý "kết nối" với những người giúp đỡ tiềm năng.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đặng Thị Hải Yến - Phòng tâm lý lâm sàng, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc phát hiện sớm người có nguy cơ tự tử rất quan trọng. Khi phát hiện người có vấn đề về tâm lý, stress, trầm cảm, chán sống... cần được can thiệp sớm. Nếu tình trạng rối loạn trầm cảm, sang chấn tâm lý kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tự sát.

Các bác sĩ khuyến cáo khi gặp vấn đề về tâm lý, người bệnh nên đến gặp chuyên gia tâm lý và tâm thần để được trợ giúp, hoặc khi thấy người thân của mình có ý định tự tử có thể liên hệ cơ quan y tế để được trợ giúp.

Trong trường hợp nhận thấy người thân có những biểu hiện trên, cần chăm sóc cho họ cả nhu cầu về tinh thần và thể chất. Tốt nhất, hãy đưa người thân đến cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, y tế liên tục.

Hướng dẫn họ kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và cách xử lý tranh chấp phi bạo lực. Đặc biệt, cần ngăn họ tiếp cận với những nguồn thông tin xúi giục, phương tiện có nguy cơ gây chết người.

"Các yếu tốt để bảo vệ con người có ý định tự sát đó là chăm sóc lâm sàng hiệu quả cho các nhu cầu về tinh thần và thể chất, hỗ trợ từ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và y tế liên tục, hạn chế tiếp cận phương tiện có khả năng gây chết người. Bên cạnh đó kết nối với cộng đồng, trường học, gia đình, bạn bè…", bác sĩ Vân nói thêm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là một trong những lĩnh vực sức khỏe cộng đồng bị bỏ quên nhiều nhất. Năm 2019, ước tính có khoảng 703.000 người trên thế giới ở tất cả độ tuổi chết do tự tử. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hàng tỉ người trên thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường (UNICEF) cho hay, hơn 75% rối loạn sức khỏe tâm thần khởi phát ở tuổi 24. Riêng tại Việt Nam, kết quả khảo sát sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia năm 2022 (trẻ từ 10-17 tuổi) cung cấp những con số đáng chú ý.

Cụ thể, 21,7% trẻ vị thành niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 3,3% trong đó đáp ứng các tiêu chí về rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu phổ biến nhất với 18,6% và trầm cảm chiếm 4,3%. Cũng theo khảo sát, chỉ có 5,1% phụ huynh xác định trẻ cần giúp đỡ về các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua.

Bác sĩ Du lưu ý mặc dù Chính phủ và Bộ Y tế có rất nhiều nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn còn những khoảng trống đáng kể về chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ví dụ, nước ta hiện không có nhân viên tư vấn hoặc nhân viên công tác xã hội tại trường học để cung cấp hỗ trợ hay tư vấn cho học sinh khi gặp các vấn đề trên.

Tại Việt Nam, cứ 7 người lại có một người mắc một trong 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Ở nhóm trẻ em và vị thành niên, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là 8% đến 29%. Tỷ lệ số ca tự tử trên tổng số ca tử vong ở trẻ vị thành viên là 2,3%.

Đại diện Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Rối loạn lo âu và trầm cảm tăng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch.

Tuy nhiên, 71% người bị rối loạn tâm thần không nhận được các dịch vụ chăm sóc, các quốc gia chỉ chi trung bình hơn 2% ngân sách y tế cho lĩnh vực này. Các vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần ước tính có thể gây thiệt hại 16 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.

Bài tiếp: Chuyên gia, nhà trường nói gì trước những hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem