Cha mẹ "đu trend" TikTok dọa con ăn cơm: Nguy cơ biến con thành kẻ bạo lực
Cha mẹ "đu trend" TikTok dọa con ăn cơm: Nguy cơ biến con thành kẻ bạo lực
Thứ năm, ngày 27/04/2023 10:12 AM (GMT+7)
Hiện tượng các bậc phụ huynh sử dụng video mang tính chất bạo lực để ép con ăn được chuyên gia nhận định là hành động chạy theo xu hướng một cách mù quáng mà không lường trước hậu quả.
Video "cô Trinh dọa trẻ ăn cơm" đang thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội TikTok đồng nghĩa với việc trẻ em phải đối mặt với "nỗi sợ mới" trong bữa ăn của mình.
Trào lưu này bắt nguồn từ chuyện TikToker L.C vào vai "cô Trinh" cầm chiếc bát và thìa đưa sát vào màn hình với khuôn mặt dữ tợn cùng câu nói: "Há mồm ra ăn hết bát cơm này nào. Ngoan cô Trinh thương, cô Trinh yêu, hư cô Trinh nuốt chửng".
Nam TikToker liên tục đe dọa: "Ăn đi, nuốt hết bát cơm đi", "Nuốt sạch chưa?". Đi cùng lời nói khiến trẻ sợ hãi là biểu cảm trợn mắt, gằn giọng và hành động đấm liên tục vào ngực.
Hưởng ứng trào lưu này, một số tài khoản TikTok của các bậc cha mẹ chia sẻ rằng đã sử dụng video "cô Trinh" để ép con ăn. Chưa dừng ở đó, các phụ huynh còn quay video con bị dọa khóc thét để đăng lên mạng xã hội với mục đích "mua vui" và chạy theo xu hướng.
Việc cha mẹ sử dụng clip dọa nạt để ép buộc con ăn đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Đứng ở góc độ một chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Lê Minh Huân nhận định: "Hành vi phụ huynh sử dụng video dọa con ăn cơm được xếp vào nhóm bạo hành tinh thần trẻ em. Đó là hành động chạy theo xu hướng một cách mù quáng mà không lường trước hậu quả.
Có thể hành động đó khiến trẻ làm theo ý cha mẹ nhưng gây ra rất nhiều tác hại mà cha mẹ không thể lường trước hậu quả.
Trẻ thường sợ và ám ảnh khi nghe nhắc hoặc liên tưởng đến các hình tượng gây ám ảnh mà phụ huynh dùng để dọa nạt như "ông Kẹ, ông Ba Bị, bà phù thủy". Điều đó sẽ khiến trẻ giật mình, khóc, nghiêm trọng hơn là gặp ác mộng, lo âu, ám ảnh.
Lâu dần trẻ sẽ trở nên nhút nhát, kém tự tin, gặp vấn đề trong giao tiếp xã hội, tự lập, hoặc gặp vấn đề về sức khỏe, tâm thần", Thạc sĩ Huân nói.
Theo chuyên gia, phần lớn cha mẹ có tâm lý chủ quan trong vấn đề dạy con và thường chạy theo trào lưu trên mạng xã hội theo kiểu "ai làm sao tôi làm vậy". Hành động nuôi dạy con sai cách của phụ huynh đã phản ánh sự thiếu kiến thức và chủ quan khi tiếp thu xu hướng mới.
"Không những vậy, một số bậc cha mẹ thường có tâm lý "thấy hay nên áp dụng" để dạy con và nghe theo các "chuyên gia ảo" trên mạng nổi lên nhờ chạy quảng cáo, không có bằng cấp, chuyên môn, không có kiểm chứng đối với các nội dung tuyên truyền, giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi của một bộ phận phụ huynh đã vô tình dẫn đến bạo lực tinh thần trẻ mà họ không hề hay biết, gây ra các tác động tâm lý đến nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ. Từ đó ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ", chuyên gia cho biết.
Trên thực tế, việc trẻ xem video độc hại, chơi trò chơi bạo lực có thể sẽ làm gia tăng mức độ bạo lực ở trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ tiếp xúc với trò chơi hay video có tính bạo lực sẽ thể hiện hành vi bạo lực, dù thái độ và hành vi có chiều hướng tăng mức độ tiêu cực, Thạc sĩ Minh Huân chia sẻ.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo Thạc sĩ Huân, chính sách kiểm soát nội dung bạo lực của các nền tảng mạng xã hội vẫn còn nhiều thiếu sót, chính vì vậy họ phải chịu trách nhiệm cho xu hướng gia tăng tỷ lệ hành vi bạo lực khi trẻ em tiếp cận các video độc hại.
"Nếu pháp luật chưa có hình thức chế tài hoặc truy cứu trách nhiệm thì dư luận từ cộng đồng, ý kiến từ các chuyên gia đã tạo ra sức ép nhất định cho các nền tảng này. Cụ thể, YouTube, Facebook, TikTok đều đã phát triển các công cụ "ngăn chặn" các video bạo lực, từ ngữ bạo lực nhiều năm nay, dù mức độ khả dụng còn thấp", Thạc sĩ Huân nói.
Đề cập đến hậu quả của việc cho trẻ em tiếp cận mạng xã hội sớm, chuyên gia Minh Huân cho biết: "Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp cận với thời lượng nhiều khi chưa đủ 6 tuổi.
Không để trẻ một mình khi sử dụng công nghệ, trong đó bao gồm việc xem các nội dung từ mạng xã hội vì các tiên lượng xấu ảnh hưởng đến trí não, mức độ tập trung, cảm xúc và hàng loạt các hệ lụy khác nghiêng về kỹ năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ, học tập, kiểm soát cảm xúc khi trẻ lớn hơn".
Theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý, khi trẻ có hành vi bạo lực, các bậc phụ huynh cần nghiêm túc suy xét lại các nguyên nhân: Từ việc nêu gương xấu của người lớn, đến video bạo lực, chơi trò chơi để tìm ra nguồn cơn và đề ra giải pháp ngăn chặn, cải thiện nhận thức, hành vi của con.
"Gia đình, nhà trường cần thống nhất tác động, phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục và cải thiện vấn đề tâm lý của trẻ. Nếu cần thiết hãy tìm kiếm sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa, nhà tâm lý", chuyên gia Huân cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.