Có chấm dứt được việc đi hàng nghìn km để nộp phạt nguội?
Quang Minh- Văn Hoàng
Thứ năm, ngày 02/06/2022 07:18 AM (GMT+7)
Sau hành trình xuyên Việt, một người dân nhận đực thông báo từ Phòng CSGT tỉnh Quảng Bình nhận được thông báo phạt nguội và phản ánh sẽ phải đến trực tiếp đến địa điểm nộp phạt, nơi cách nhà chị hơn 600km.
Mới đây chị .T (ở Lạng Sơn) phản ánh trên mạng xã hội câu chuyện gia đình chị thực hiện chuyến hành trình xuyên việt từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh bằng phương tiện ô tô. Trong hành trình, gia đình chị T. có đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Kết thúc hành trình trở về nhà gia đình chị T. nhận được thông báo từ Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình về việc lái xe (xe ô tô của gia đình chị T.) có hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ, đồng thời mời chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện lên làm việc, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
"Em đi xuyên việt từ Hà Nội vào Sài Gòn, để ô tô ở đó và đi máy bay ra Hà Nội. Xong giờ về em nhận được thông báo phạt nguội như thế này. Khi em gọi tới số Hotline Công an Quảng Bình ghi trên giấy thì họ bảo có 2 phương án nộp phạt: Đi đến tận nơi (cách nơi e đang ở 645km) hoặc là nhờ người thân ra giải quyết", chị T. viết trên mạng xã hội.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, câu chuyện của chị T. phản ánh không phải là mới.
Trước đó, nhiều lái xe vi phạm luật giao thông, bị phạt nguội cũng phải đi vài trăm km để đến làm việc, nộp phạt, nhận lại giấy tờ. Từ những bất cập đó, sau này cơ quan chức năng mới chỉnh sửa thông tư, nghị định nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho lái xe.
"Việc phải đi vài trăm km, thậm chí hàng nghìn km để làm việc, nộp phạt nguội, nhận lại giấy tờ đã gây ra nhiều khó khăn, tốn kém thời gian, tiền bạc đối với chủ phương tiện. Thậm chí, họ còn bị ảnh hưởng, làm gián đoạn công việc", ông Liên nói.
Thực hiện nộp phạt nguội theo hình thức trực tuyến từ ngày 22/5
Liên quan đến phản ánh của chị T., một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, từ năm 2020, Bộ Công an đã triển khai công tác xử lý vi phạm giao thông trên hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG) ở cấp độ 3 và 4 nhằm tạo điều kiện cho người dân, lái xe. Việc triển khai nội dung này được thực hiện đồng bộ trên cả nước.
Tuy nhiên, trước thời điểm 21/5, theo Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định quyền hạn xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông thì vẫn gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Tức là bước đầu tiên cơ quan chức năng phải gửi thông báo mời chủ phương tiện lên làm việc để xác minh xem có đúng là họ là người lái xe và có hành vi vi phạm hay không. Từ căn cứ hình ảnh cung cấp, chủ phương tiện thừa nhận thì cơ quan chức năng mới lập biên bản hành vi vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Lúc này, người vi phạm có thể chọn một trong hai hình thức, một là nộp phạt trực tiếp nhận lại giấy tờ, hai là để lại số điện thoại chọn hình thức nộp phạt giao thông online.
Còn từ sau ngày 21/5/2022, theo Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông thì người vi phạm không phải đến trụ sở đơn vị quản lý tuyến đường để lập biên bản và nhận quyết định xử phạt mà có thể đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi sinh sống để làm việc, lập biên bản . Sau đó, người vi phạm sẽ nhận quyết xử phạt, có thể chọn hình thức nộp phạt online.
Theo đại diện Cục CSGT, với trường hợp của chị T. có thể là lái xe vi phạm giao thông vào thời điểm trước ngày 21/5 nên lực lượng chức năng vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA và gửi thông báo mời lên làm việc.
Trao đổi với PV, đại diện Phòng CSGT tỉnh Quảng Bình khẳng định việc gửi giấy mời làm việc liên quan đến việc nộp phạt nguội là đúng quy định pháp luật. Từ ngày 22/5, Phòng CSGT cũng thực hiện việc nộp phạt nguội theo hình thức trực tuyến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.