Báo động tình trạng sân bay xuống cấp và quá tải
Những năm gần đây, thị trường hàng không Việt Nam mở cửa và tăng trưởng ở mức “nóng” và “nóng” hơn khi có sự xuất hiện của các hãng hàng không mới đã và đang chờ được cấp phép. Việc ra đời nhiều hãng hàng không dẫn đến việc cạnh tranh về giá vé cũng như các hoạt động thúc đẩy du lịch trong và ngoài nước, người dân Việt Nam có cơ hội đi máy bay nhiều hơn với chi phí rẻ hơn trước.
Tuy nhiên, sự phát triển của các hãng hàng không khi tăng số lượng chuyến bay, tàu bay, sự tăng trưởng lượng khách vận chuyển, số lượng đường bay trong và ngoài nước lại không tỷ lệ thuận với hạ tầng của ngành.
Quá tải, ách tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng là một nguyên nhân của việc chậm, hủy chuyến... (Ảnh: Zing)
Hạ tầng hàng không Việt Nam đang ở mức báo động khi các sân bay “thất thủ” vì xuống cấp và quá tải. Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải ngày 20/8, Cục Hàng không Việt Nam cho biết các đường băng, đường lăn tại Nội Bài (Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng và có thể ngưng khai thác bất kỳ lúc nào. Mặt đường băng và đường lăn xuất hiện vế hằn của bánh máy bay, bị lún, có khe nứt vỡ, rạn chân chim…
Tại Tân Sơn Nhất (TP.HCM), tình trạng quá tải diễn ra cả trên không lẫn đường băng cất hạ cánh. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng chậm, hủy hoặc dồn chuyến bị ảnh hưởng dây chuyền hàng loạt, gây thiệt hại đối với cả khách hàng và cả các hãng hàng không.
Trong bối cảnh tăng trưởng nóng của hàng không Việt Nam mà cơ sở hạ tầng không những không nở thêm ra lại còn xuống cấp trầm trọng, các hãng hàng không đã phải “gồng mình” hoạt động vừa để cân bằng mục đích thương mại, vừa đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng cao của người dân, đặc biệt trong mùa cao điểm, lễ tết.
Tuy vậy, so với các hãng hàng không trên thế giới, tỷ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì trên 80%. Cụ thể, theo Official Aviation Guide (OAG), hãng chuyên về thống kê dữ liệu khai thác, trong tháng 7/2019, hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietjet Air và Vietnam Airlines đều có tỷ lệ OTP cao hơn so với 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới 2019.
Tỷ lệ OTP của 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2018 theo OAG lần lượt là All Nippon Airways 85.9%, Singapore Airlines 84.2%, Emirates 79.5%, Qantas Airways 79.4%, Qatar Airways 78.0%, Thai Airways 73.7%, Cathay Pacific 71.9%, Lufthansa 68.9%, EVA Air 63.7% và Hainan Airlines 54.9%.
Phiền toái, bức xúc cho hành khách
Tình trạng các hãng hàng không chậm, hủy, dồn chuyến bay, đặc biệt tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài... gây không ít phiền toái và bức xúc đối với hành khách.
Trong câu chuyện này, sự bức xúc tăng cao bởi nhiều hành khách cảm thấy bị coi thường khi quyền lợi không được các hãng hàng không quan tâm đúng mức. Chuyện chuyến bay bị hoãn 3-4 lần, chậm cả chục giờ nhưng phía hãng hàng không chỉ thông báo qua tin nhắn, không một lời xin lỗi; hay chỉ “đền bù” cho hành khách chai nước lọc, cái bánh mì... đã liên tục được phản ánh trên mạng xã hội.
Đại diện một hãng hàng không cho biết, việc chậm và hủy chuyến là điều không một hãng hàng không nào mong muốn bởi nó làm tổn hại không chỉ về kinh tế rất lớn mà còn là uy tín, hình ảnh và chất lượng của hãng bay.
Trong giai đoạn tiếp theo của năm 2019, tình trạng xuống cấp và quá tải tại các sân bay vẫn chưa được giải quyết triệt để, các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang nỗ lực để cải thiện tỷ lệ OTP, đảm bảo an toàn bay và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn và nâng cao vị thế của ngành hàng không trong khu vực.
Mới đây, bức xúc với tình trạng chậm hủy, dồn chuyến bay của các hãng hàng không, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu truy trách nhiệm và đề nghị Bộ GTVT làm rõ. Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các hãng hàng không tập trung việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội tàu bay theo lộ trình đã được duyệt...
Ngoài ra, Bộ sẽ có giải pháp tăng cường sự liên kết, phối hợp Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các hãng hàng không khác nhằm vừa tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh các hãng hàng không Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và làm rõ nguyên nhân hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến... của các hãng hàng không, thu hồi slot (giờ cất - hạ cánh) đối với hãng hàng không vi phạm các quy định về vận chuyển hàng không hoặc chỉ vì mục tỉêu lợi nhuận để dẫn đến tình trạng chậm chuyến hoặc hủy chuyển, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách đi tàu bay.
Theo Thông tư 14/2015 của Bộ GTVT áp dụng từ tháng 7/2015, mức bồi thường cho mỗi hành khách với chuyến bay nội địa bị chậm, hủy chuyến từ 200.000 - 400.000 đồng. Trong đó, chuyến bay từ 1.000 km trở lên, mức bồi thường là 400.000 đồng. Mức bồi thường với chuyến bay quốc tế từ 25 USD (độ dài dưới 1.000km) - 150USD (trên 5.000km). Còn theo Thông tư 27/2017 của Bộ GTVT, áp dụng từ 1/11/2017, hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên. Nội dung thông báo gồm lý do chậm chuyến; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách. Đồng thời, hãng vận chuyển phải xin lỗi hành khách vì chậm, hủy chuyến.
|
|
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia lĩnh vực hàng không:
Cần chế tài xử phạt nặng
Thời gian qua, thị trường hàng không tăng trưởng mạnh khi có thêm hãng hàng không Bamboo Airways, sắp tới là hãng hàng không Vinpearl và Cánh Diều (KiteAir) càng khiến các hãng phải tăng sức cạnh tranh nhiều hơn nữa. Vì vậy, tỷ lệ chậm, hủy, dồn chuyến bay càng tăng cao, hạ tầng hàng không cũng không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của các hãng và thị phần hành khách cũng bị chia nhỏ ra.
Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có giải pháp giảm tỷ lệ chậm, hủy, dồn chuyến bay đang có xu hướng tăng cao mà không có dấu hiệu giảm. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, cần phải có các quy định, chế tài xử phạt nặng khi xác định được việc chậm, huỷ, dồn chuyến bay là lỗi của các hãng hàng không.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo – Phó Giám đốc Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú: Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm
Tăng trưởng “nóng” của thị trường hàng không đã dẫn tới tình trạng máy bay chậm, huỷ, dồn tuyến bay gây ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại cho hành khách, nhưng vẫn chưa thấy có chế tài nào truy trách nhiệm của các hãng hàng không về việc này.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các hãng hàng không phải tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh, an toàn hàng không. Tuy nhiên, tại Nghị định số 92/2015 ngày 13/10/2015 của Chính phủ và Thông tư số 13/2019 của Bộ GTVT vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các hãng hàng không về việc chậm, hủy, dồn tuyến bay đối với các lỗi xác định là lỗi của hãng hàng không. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét, nghiên cứu bổ sung hình thức xử phạt các hãng hàng không khi xác định lỗi của hãng hàng không.
T.A (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.