Chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn tại TP.HCM: Điểm trung bình là 5 và 6, ít điểm cao

Thứ năm, ngày 15/07/2021 15:56 PM (GMT+7)
Theo một giám khảo chấm thi môn Văn tại TP.HCM, đa số điểm thi mức trung bình, rất ít điểm cao vì hầu hết các em bị "sóng vỗ xa bờ"…
Bình luận 0

Tại buổi thông tin tổng kết về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, cho biết trên địa bàn thành phố có 155 điểm thi tốt nghiệp THPT. Buổi thi môn Văn vào sáng ngày 7/7 có 82.973 thí sinh dự thi.

Bắt đầu từ 12/7, TP.HCM tiến hành công tác chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Năm nay, TP.HCM có 20 tổ chấm môn Ngữ văn (18 giám khảo/tổ).

Về đề thi môn Văn, nhiều thí sinh tại TP.HCM đánh giá đề năm nay dễ, cần kiến thức hiểu biết đời sống và khả năng suy luận của học sinh chứ không thiên về học thuộc lòng.

Tuy nhiên, sau 2 ngày triển khai chấm thi môn Văn (13/7 và 14/7), nhiều giám khảo tham gia chấm thi tại Hội đồng thi TP.HCM, đánh giá là điểm thi của các thí sinh năm nay trên trung bình nhiều, nhưng không cao.

Chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn tại TPHCM: Điểm trung bình là 5 và 6, ít điểm cao - Ảnh 1.

Điểm thi môn Văn của các thí sinh tại TP.HCM năm nay trên trung bình nhiều nhưng điểm không cao.

Theo một nữ giáo viên làm giám khảo môn thi này tại TP.HCM, nguyên nhân điểm không cao là do học sinh có xu hướng "học tủ", "học vẹt" nhiều, đề thi không trúng tủ nên không có nhiều bài thi điểm cao.

Nữ giáo viên này chia sẻ vui: "Các em bị 'Sóng' vỗ xa bờ. Không ra 'Vợ nhặt', 'Vợ chồng A Phủ' mà ra vợ anh Lưu Quang Vũ nên nó đuối!".

Một giám khảo khác là nam giáo viên dạy Văn của một trường THPT ở quận 1 cũng đồng tình và cho hay đến hết ngày 14/7 đã chấm khoảng 2.000 bài nhưng chưa gặp bài thi nào đạt 9 hay 10 điểm. Điểm 7 và 8 có nhưng số lượng ít, điểm số phổ biến là 5 và 6 - thầy giáo cho biết.

Giám khảo này dự báo năm nay khả năng sẽ có nhiều bài thi chênh lệch điểm số giữa 2 phòng chấm thi cao hơn so với mọi năm. Nguyên do là thầy cô vận dụng đáp án linh hoạt, có tính mở như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thầy giáo này cho biết: "Trung bình một ngày một tổ chỉ chấm khoảng 500 đến 800 bài (cho cả 2 vòng). Phòng này chấm vòng 1 sẽ đổi chéo phòng khác chấm vòng 2 và ngược lại".

Sau khi chấm chéo 2 vòng, phiếu chấm thi sẽ được ráp lại. Nếu điểm số 2 vòng chấm chênh lệch quá cao sẽ có tổ chấm kiểm tra nhắc nhở, kiểm tra lại.

Theo vị giáo viên này, điểm thi môn Văn thì sẽ luôn có chênh lệch số từ 2 giáo viên. Lý do là mỗi người vận dụng đáp án khác nhau và tính tình mỗi thầy cô, có người chấm rộng, có người chặt.

Vị này nói: "Ai chấm rộng thì rộng muôn đời. Ai khó một chút thì cho điểm cũng khó. Thế là 2 người này chấm cùng một bài thi sẽ có sự chênh lệch điểm số".

Do đáp án đề thi Văn năm nay được Bộ GD-ĐT hướng dẫn vận dụng linh hoạt, có tính mở nên sự chênh lệch này sẽ phổ biến hơn và công tác ráp bài có thể sẽ lâu hơn mọi năm.

Về tâm lý giám khảo chấm thi năm nay, các giám khảo đều tỏ ra lo lắng khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến rất phức tạp.


Tùng Nguyên (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem