TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT mới đây đã thống kê top 15 trường đại học có học phí cao nhất ở Việt Nam năm 2021.
Trong danh sách này có 2 trường mới là ĐH Quốc tế Hồng Bàng và ĐH Y Dược TP.HCM. Trường ĐH Mỹ tại Việt Nam AUV ở Đà Nẵng bỏ ra khỏi danh sách so với năm 2020 vì không có số liệu tuyển sinh và học phí. Vị trí 15 và 16 lệch nhau không nhiều nên được xếp đồng hạng 15. Và trong danh sách này có 5 trường công lập, 2 trường đăng ký hoạt động không lợi nhuận.
Theo lý giải của TS Lê Trường Tùng, học phí được tính trên cơ sở số liệu các trường cung cấp, tính theo một học kỳ, chỉ tính học phí không tính các phí khác và áp dụng cho sinh viên là người Việt Nam.
Các trường có học phí các ngành, các hệ khác nhau thì căn cứ theo học phí từng ngành, từng hệ đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh để tính trung bình một sinh viên học phí bao nhiêu. Những trường không chia chỉ tiêu theo từng ngành, từng hệ thì tính bình quân. Nếu học phí theo tín chỉ thì một học kỳ tính tương đương 15 tín chỉ. Cũng chỉ tính cho hệ đại học chính quy, không tính hệ đào tạo sau đại học và đào tạo hệ vừa làm vừa học, từ xa.
Trong bảng xếp hạng 2021 không tính Khoa Y của ĐHQG TP.HCM - mặc dù đây là một đơn vị đào tạo Y khoa độc lập tuyển 200 sinh viên một năm, với học phí một học kỳ trung bình là 32.8 triệu đồng, và sẽ xếp thứ 10 nếu như được xếp hạng. Năm 2022, nếu Khoa Y nâng cấp thành ĐH Y thuộc ĐHQG TP.HCM (như ĐH Y Dược thuộc ĐHQG HN) thì sẽ thuộc Top 10.
Trong bảng cũng không tính Khoa Quốc tế của ĐHQG Hà Nội, đang hoạt động độc lập với chỉ tiêu gần 1.000 một năm, và học phí sinh viên trung bình một học kỳ là 27.1 triệu đồng, xếp vị trí thứ 13-14 nếu trở thành một trường độc lập giống như ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM. Năm 2022, nếu được nâng cấp thành trường ĐH thì Khoa này sẽ nằm trong Top 15.
Top 15 trường đại học có doanh thu cao nhất
TS Lê Trường Tùng cũng thống kê top 15 trường đại học có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2020. Theo đó cao nhất là RMIT VN có doanh thu 1.853 tỷ đồng, thứ 2 là ĐH Bách khoa Hà Nội là 1.096 tỷ đồng.
Tổng Top 15 doanh thu của các trường đại học Việt Nam tăng khoảng 10% so với 2019. Trường ĐH Ngoại Thương ra khỏi Top 15 nhường chỗ cho ĐH Duy Tân. Khi thống kê không tính cho các "tổ hợp nhiều trường" như các đại học quốc gia, cũng loại bỏ doanh thu dịch vụ y tế của các đại học y có bệnh viện và các khoản hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước. Trong Top 15 có 5 trường tư thục, 9 trường công lập và 1 trường quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.