Champions League thiếu những gương mặt mới

Thứ năm, ngày 12/05/2011 19:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các giải bóng đá vô địch các quốc gia ở châu Âu đã đi đến những vòng đấu cuối cùng và những gương mặt tham dự Champions Leagueu mùa sau đã lộ diện gần hết. Đáng tiếc, không có chỗ cho nhân tố mới tại sân chơi danh giá này.
Bình luận 0

Mới nhưng không lạ

Có hai CLB tham dự Champions League mùa sau có thể gây ấn tượng với người hâm mộ: Manchester City (M.C) và Napoli.

img
Thắng Tottenham 1- 0, Manchester City (phải) đã giành vé dự Champions League mùa tới.

Lần đầu tiên trong lịch sử được tham dự Champions League nhưng M.C (Anh) đã cực kỳ quen thuộc với giải đấu này ở vị trí “suýt được tham dự”. Sau nhiều năm vung vãi tiền của mua hàng đống cầu thủ, lần đầu tiên sự phung phí ấy của Man xanh mới phát huy được hiệu quả.

Trong lịch sử, năm 1970, M.C đã vô địch tại cúp châu Âu (nhưng là cúp dành cho các đội đoạt cúp quốc gia – C2) nhưng hiện tại Champions League mới là sân chơi xứng tầm với Man xanh hay nói đúng hơn xứng đáng với số tiền của họ đầu tư.

Tất nhiên thành quả này chỉ có giá trị khích lệ các CĐV M.C khi lần đầu đội bóng của họ được “trèo” lên ngồi cùng mâm với “gã hàng xóm đáng ghét” M.U thôi, chứ ngay cả người hâm mộ M.C cũng không hy vọng CLB của mình có thể tiến xa ở Champions League mùa sau.

Tại giải vô địch Italia, Napoli (CLB nổi tiếng bởi trước đây có Maradona thi đấu) cũng được bước chân vào giải đấu danh giá Champions League sau nhiều năm vắng bóng, nhưng cố lắm thì họ cũng chỉ nên lấy Tottenham, (Chú ngựa ô vào đến tứ kết mùa giải Champions League) làm tấm gương mà thôi.

Có thể nói sự xuất hiện của họ là mới nhưng không lạ và khó mà hấp dẫn khi bóng đá châu Âu đang bước vào một “Thế kỷ suy đồi vì tiền bạc”.

Nước chảy chỗ trũng

Trong 12 năm của buổi giao thời giữa thế kỷ XX và XXI, bóng đá châu Âu chứng kiến 4 chuyện “quái dị”: 4 CLB có cú “ăn ba” lịch sử: Vô địch giải quốc gia, đoạt cúp quốc gia, vô địch châu Âu (M.U năm 1999, CSKA Moscow năm 2005, Barca năm 2009 và Inter năm 2010).

Xin nhắc lại rằng, suốt lịch sử bóng đá châu Âu gần 1 thế kỷ nay, chỉ có 10 CLB làm được cú “ăn ba” ấy. Sự xuất hiện liên tiếp của những “con cá mập” trong thời điểm hiện tại không phải là tín hiệu vui cho bóng đá châu Âu.

Việc không có nhân tố mới trong mùa giải sau tại C1 là điều không vui. Bóng đá hấp dẫn căn bản bởi tính đối kháng. Không có kẻ đối đầu thì “con cá mập” đầy quyền lực ấy sẽ nằm ở đâu trong lòng người hâm mộ.

Có được thành quả (hay hậu quả) này bởi bóng đá châu Âu hiện tại đang đi theo một xu hướng vốn đã hoành hành trong lĩnh vực kinh tế tư bản trước đây: “Cá lớn nuốt cá bé”. Sự thông thoáng của “Thị trường chung châu Âu” cùng luật Bosman (cho phép cầu thủ tự do chuyển nhượng bất chấp các giá trị đạo đức) đã dẫn đến chuyện kẻ giàu hiếp đáp người nghèo.

Nếu không có luật Bosman thì chắc giờ này Rooney vẫn thi đấu cho Everton (CLB đã có công phát hiện và đào tạo số 10 M.U trứ danh). Cũng với Rooney, cầu thủ sẽ chẳng bao giờ nhận được mức lương khủng 200.000 bảng/tuần (khoảng 6 tỷ đồng) tại M.U.

“Cơ chế kinh tế thông thoáng” ấy khi đặt vào trong môn chơi “phi giai cấp” là bóng đá bỗng thành bất cập – nước sẽ chảy chỗ trũng. Các CLB mạnh sẽ càng mạnh hơn với tiềm lực kinh tế của mình, thậm chí đến một lúc nào đấy, họ sẽ trở thành một quyền lực thống trị và là một “con cá mập”, không một CLB nào đối đầu được với họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem