Chân dung những vị tướng được Bác Hồ phong cách đây 70 năm

Lương Kết Thứ sáu, ngày 16/02/2018 08:00 AM (GMT+7)
70 năm trước (năm 1948) đã diễn ra Lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tại Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa, Thái Nguyên). Đây là sự kiện đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội ta.
Bình luận 0

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, Hồ Chủ tịch đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ Quân đội và tặng thưởng huân chương cho những người đã lập được chiến công. Chủ trương này của Hồ Chủ tịch đã được toàn thể thành viên trong Hội đồng Chính phủ hoan nghênh trong cuộc họp ngày 19.1.1948.

Sau đó đúng một ngày, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội. Theo Sắc lệnh này, ông Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng; ông Nguyễn Bình được phong quân hàm Trung tướng; các ông Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng.

Đại tướng Võ Nguyễn Giáp (SN 1911 -2013)

img

Đại tướng Võ Nguyễn Giáp người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam (ảnh TL).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925. Năm 1940 được kết nạp vào Đảng CS Đông Dương nay là Đảng CSVN.

Năm 1944, khi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lúc đó ông mới 33 tuổi. Thời điểm ông được phong quân hàm Đại tướng là 37 tuổi. Trong lịch sử ông là người duy nhất là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nổi tiếng với trận Điện Biên Phủ đánh bại thực dân Pháp. Đại tướng còn có nhiều công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước.

Trung tướng Nguyễn Bình (1908 -1951)

img

Trung tướng Nguyễn Bình (người đeo kính - ảnh TL).

Ông quê Yên Mỹ, Hưng Yên. Cuối năm 1945, ông Nguyễn Bình được Hồ Chủ tịch tin tưởng cử vào Nam Bộ, để thống nhất các lực lượng vũ trang trong đó. Khi đến Thủ Dầu Một, Bình Dương ông đã cùng ông Huỳnh Kim Trương thành lập Chi đội 1 – đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Nam Bộ vào ngày 25.11.1945. Sau đó, Quân khu 7 được thành lập và ông là Tư lệnh cùng Chính ủy Trần Xuân Độ, Tham mưu trưởng Huỳnh Kim Trương...

25 chi đội của nhiều lực lượng, giáo phái đã được ông thống nhất và có những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Năm 1951, ông được lệnh ra Bắc, trên đường hành quân qua đất Campuchia, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn (SN 1908 -1956)

img

Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (ảnh TL).

Ông Nguyễn Sơn quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông vẫn được biết đến là “lưỡng quốc tướng quân" (tướng quân của hai nước). Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong hàm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1948. Đồng thời, với cách mạng Trung Quốc, ông được coi là một trong những người có nhiều đóng góp và cũng được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (SN 1906 -1986)

img

Tướng Lê Thiết Hùng (ảnh TL).

Ông tên thật là Lê Văn Nghiêm, quê làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tháng 1.1948, ông giữ chức Tổng thanh tra quân đội kiêm chức Hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam (1948-1954).

Ông từng là Chỉ huy trưởng mặt trận Bắc Kạn và Tuyên Quang, lãnh đạo quân đội chống lại cuộc tấn công đầu tiên của Pháp vào căn cứ Việt Bắc. Sau đó ông làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Pháo binh (1954-1956), Hiệu trưởng đầu tiên Trường Sĩ quan Pháo binh (1956-1963) kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng không. Năm 1963 ông chuyển sang làm công tác đối ngoại.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn (SN 1909 -1984)

img

Tướng Chu Văn Tấn (ảnh TL).

Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước cách mạng Tháng Tám, ông từng chỉ huy Cứu quốc quân phát triển lực lượng, đánh du kích ở Tràng Xá, Võ Nhai phát triển về Đại Từ (Thái Nguyên), cướp được nhiều vũ khí của quân Pháp. Các binh sĩ Pháp đặt ông biệt danh là "Hùm xám Bắc Sơn".

Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915 -1968)

img

Tướng Hoàng Sâm (bên trái ảnh -ảnh TL).

Ông quê ở Quảng Bình. Ngày 22.12.1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập (tại Cao Bằng) đặt dưới sự chỉ huy chung của ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sâm trở thành đội trưởng. Khi được phong quân hàm thiếu tướng ông mới 33 tuổi.

Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (SN 1915 -1986)

img

Tướng Hoàng Văn Thái (ảnh TL).

Ông quê ở Thái Bình. Ông là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp công trong nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau này ông được phong quân hàm Đại tướng, ông từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thiếu tướng Lê Hiến Mai (SN 1918 -1992)

img

Tướng Lê Hiến Mai (ảnh TL).

Ông tên thật là Nguyễn Văn Phường, sinh tại xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Theo lời kể của vợ tướng Lê Hiến Mai, ông nhà vốn có hàm răng hô nên mọi người hay trêu đùa là “mái hiên”.

Biết chuyện, Hồ Chủ tịch cho gọi ông tướng “mái hiên” lên, rồi đặt bí danh mới cho ông bằng cách nói lái thành Hiến Mai. Cái tên Lê Hiến Mai từ đó theo ông đến cuối đời (có thời gian công tác ông dùng bí danh khác là Dương Quốc Chính).

Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (SN 1917 -2002)

img

Tướng Văn Tiến Dũng (ảnh TL).

Ông quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông từng là Tổng Tham mưu trưởng lâu năm nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt 25 năm từ 1953 đến 1978. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 - Nam Lào (1971); Trị - Thiên (1972); Tây Nguyên (1975), Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (Xuân 1975). Năm 1974 ông được phong quân hàm Đại tướng. Năm 1980 -1986 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (1913 -1997)

img

Tướng Trần Đại Nghĩa (ảnh TL).

Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet, lúc này ông đang ở Pháp và theo Bác Hồ về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc. Cũng trong năm đó, Hồ Chí Minh đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam). Tên tuổi của ông gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến như đạn Bazoka, súng SKZ hay các loại bom bay có sức công phá mạnh.

Thiếu tướng Trần Tử Bình (SN 1907 -1967)

img

Tướng Trần Tử Bình (ảnh TL).

Ông quê Bình Lục, Hà Nam. Ngày 3.2.1930, Chi bộ Phú Riềng, dưới sự lãnh đạo của ông đã nổi dậy đấu tranh đòi quyền sống của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, làm nên một "Phú Riềng đỏ" oai hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Tử Bình được cử làm chỉ huy mặt trận Đường số 2 - Sông Lô, đập tan một trong hai gọng kìm của quân Pháp tiến quân lên Việt Bắc hòng bắt giữ cơ quan đầu não kháng chiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem