Chàng Robinson 30 năm canh “mắt thần” biển Đông

Danh Khoa (Báo Giao thông) Chủ nhật, ngày 22/02/2015 13:50 PM (GMT+7)
30 năm ở Trường Sa, Nguyễn Văn Thu chỉ vỏn vẹn về phép ba lần ăn Tết cùng gia đình.
Bình luận 0
img
Sóng biển Trường Sa

 

Tuổi 20 xông pha ngoài biển cả

Trong những ngày tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi thường bắt gặp một người đàn ông cao to, tóc dài búi đuôi ngựa như nghệ sĩ, đi lại trên đoạn bờ thành che chắn quanh đảo An Bang. Nét mặt đăm chiêu như suy nghĩ và lo toan điều gì đó… Người đó chính là “thủ lĩnh” trạm Hải đăng An Bang, Nguyễn Văn Thu.

Khác với vẻ ngoài cao to, phong trần, giọng anh thật nhỏ nhẹ… Cùng dạo với anh trên bờ biển chiều, tôi thấy anh giống chàng Robinson giữa hoang đảo…

Anh Thu, SN 1959, quê gốc Hải Phòng, đã có hơn 30 năm gắn bó với các ngọn hải đăng từ vùng biển phía Bắc vào Nam. Trong đó, 2/3 thời gian anh lăn lộn với sóng gió Trường Sa.

Những năm sau giải phóng, Thu tốt nghiệp ngành Máy hàng hải Trường Cao đẳng Hàng hải Hải Phòng rồi tình nguyện xa nhà vào miền Trung đảm trách máy móc ở trạm Hải đăng luồng cảng Đà Nẵng. Vài năm sau, anh xung phong ra phụ trách kỹ thuật các trạm hải đăng vùng biển vịnh Bắc Bộ. Hơn 10 năm nay anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề quản lý, bảo hành, hoạt động đèn biển… Nhờ thế, Nguyễn Văn Thu là một trong số ít người được chọn ra tiếp quản điều hành trạm hải đăng Trường Sa Lớn đầu tiên ở quần đảo Trường Sa, vào năm 1993.

Với vai trò trưởng trạm, anh đảm trách khá nhiều công việc ở đây, như sắp xếp lên lịch trực 24/24h, kiểm tra đảm bảo hai máy nổ vận hành tốt, lau chùi bảo quản ngọn đèn cao chót vót. Đêm đêm đèn hải đăng sáng rực trên bầu trời vùng biển khơi của Tổ quốc. “Mắt thần” Trường Sa Lớn là ngọn đèn biển đầu tiên chỉ dẫn đường đi trong đêm cho nhiều tàu lớn trên tuyến đường biển phía Nam nối liền với hải phận quốc tế.

“Ngày ấy mọi thứ vật chất ở đảo tiền tiêu này thiếu thốn nhiều lắm, chỉ có lòng yêu nghề mới giúp chúng tôi trụ vững nơi sóng gió này”, anh Thu chia sẻ.

Mở rộng mạng lưới hoa tiêu hàng hải, hơn một năm sau, ngọn hải đăng thứ hai ra đời ở đảo Song Tử Tây. Với kinh nghiệm sẵn có, anh Thu là một trong những người tiên phong được lãnh đạo biệt phái sang điều hành trạm 16 tháng. Trạm mới thiếu người, cũng như những lần trước, anh như chim đầu đàn quán xuyến mọi công việc, vừa hướng dẫn, động viên nhân viên mới quen với nghề thức đêm. Thao thức với đèn biển, lo toan, vất vả, trong thời gian ở trạm anh sút giảm 18 kg, chỉ còn cân nặng 47 kg, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, lạc quan…

Anh luôn được lãnh đạo ngành Hàng hải giao những trọng trách quan trọng ở các trạm giữa biển Đông. Hầu như ngọn hải đăng nào ở quần đảo Trường Sa ra đời anh đều vinh dự xông đất đầu tiên, làm nhiệm vụ điều hành, chỉ dẫn cho anh em quen dần công việc rồi giao phó cho họ.


Ròng rã 6 năm trời ngoài biển khơi, lần lượt tiếp quản ba đèn biển, anh mới được nghỉ phép vào đất liền thăm gia đình cho vơi đi phần nào nỗi nhớ vợ, con… Đến hẹn lại lên, hình ảnh ngọn đèn thân quen lại đưa bước chân anh tìm về với biển. Lần này, anh lại ra Trường Sa Lớn, rồi lần lượt sau đó đến Đá Lát, Đá Tây, Song Tử Tây, An Bang...; có nơi anh được phân công làm nhiệm vụ 2- 3 lần, bước chân trở nên quen thuộc trên cầu thang xoắn ốc dẫn lên “mắt thần” tỏa sáng…

img
Anh Nguyễn Văn Thu bên đèn biển An Bang

Chăm sóc “mắt biển”

Sống ở biển lâu năm nhưng hai nơi để lại cho anh Thu nhiều ấn tượng nhất là đèn đảo chìm Đá Lát và đảo nổi An Bang. Anh chinh phục tháp hải đăng Đá Lát chọc trời hai lần trong thời gian ba năm. Trụ tháp hải đăng này nằm trơ trọi giữa vùng biển đảo chìm, ôm trọn những cơn sóng lớn. Mọi sinh hoạt của trưởng trạm Thu và 3 nhân viên như cheo leo dưới chân cột tháp lẻ loi.

Anh Thu cho hay: “Mỗi ngày anh em thay nhau leo lên tháp ở độ cao 40m chăm sóc, bảo quản để đèn hoạt động tốt. Bên trên chân tháp bố trí thứ tự các phòng trực làm việc, nghỉ ngơi; bố trí nơi đặt hai máy phát điện, thùng chứa thực phẩm, bồn nước sinh hoạt. Các anh còn tận dụng không gian nhỏ trồng vài chậu rau xanh cải thiện sinh hoạt. Phía dưới, chiếc ca nô dùng làm phương tiện ra ngoài mép biển xanh sâu thẳm tiếp nhận đồ dùng, lương thực, nước uống do tàu vận tải hàng năm chở đến 2- 3 lần.

Thỉnh thoảng anh em bơi thuyền qua hàng xóm đảo chìm Đá Lát cách đó 600 m giao lưu với những người lính biển. Gặp những khi biển nổi sóng, tung bão gió hoành hành, “cột điện cao thế” Đá Lát như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Vượt lên sự thiếu thốn, khắc nghiệt ấy, Nguyễn Văn Thu và ba “người lính” của mình vẫn đam mê, tận tình với công việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngọn đèn hải đăng Đá Lát hình bát giác rộng hơn 20 m2 gắn chặt chân tháp thẳng đứng 42 m cao nhất ở vùng biển Trường Sa vẫn chiếu sáng hàng đêm bất kể thời tiết nào. Tầm chiếu sáng của đèn tới 16 hải lý, dẫn đường cho biết bao con tàu ngư dân trong đêm…

Rời Đá Lát, anh Thu đến với vùng biển sóng gió An Bang. Như một cơ duyên khi tính đến bây giờ anh đã ba lần gắn bó với ngọn đèn hải đăng ở đây. Vị trí trấn giữ đèn hải đăng An Bang (7 độ 52’10” vĩ độ Bắc, 112 độ 54’10’’ kinh độ Đông) ở vùng biển phía Nam không kém phần quan trọng. Nó gần như “cây chữ thập” hướng dẫn tàu thuyền quốc tế đi ngang qua vùng biển Việt Nam. Hải đăng có năm cán bộ, nhân viên trạm càng thể hiện quyết tâm cao với trọng trách được giao, ứng trực 24/24h.


Những năm đầu của thập niên 2000, An Bang còn hoang sơ, chưa có nguồn điện năng lượng mặt trời; anh Thu cùng nhân viên hàng ngày kiểm tra, bảo hành máy móc, thiết bị, mắt thần, đảm bảo vận hành hai máy phát điện chiếu sáng 100% vào ban đêm. Nhờ đó, những con tàu trong và ngoài nước đi qua vùng biển phía Nam này xác định được vị trí, phương hướng đồng thời tránh được các mối nguy hiểm trên biển như vị trí bãi rạn, tàu đắm…

Nguyễn Văn Thu cho hay, hoạt động ngành Hàng hải quy định theo thông lệ quốc tế rất nghiêm ngặt. Ban đêm đèn gặp sự cố tắt trong vòng năm phút, trưởng trạm phải lên phòng thông tin điện thoại vệ tinh bằng máy ICOM báo về tổng công ty biết để có hướng xử lý. Nếu đèn ngưng hoạt động 15 phút mà không có thông báo gì thì người đứng đầu tổng công ty và trạm hải đăng ra hầu tòa. Tuy nhiên 6/9 ngọn hải đăng anh Thu lần lượt điều hành ở quần đảo Trường Sa trên 20 năm nay chưa một lần xảy ra lỗi kỹ thuật như thế, chỉ dẫn cho cả triệu lượt tàu trong và ngoài nước an toàn trong đêm.

30 năm, ba lần về Tết

30 năm ở Trường Sa, Nguyễn Văn Thu chỉ vỏn vẹn về phép ba lần ăn Tết cùng gia đình. Anh chia sẻ với chúng tôi: “Bởi điều kiện công tác xa đất liền, bố mẹ mất tôi đều không có mặt ở nhà. Cuối năm 2005, tôi đến nhận nhiệm vụ Trưởng trạm hải đăng Đá Tây ba tháng, thì bất ngờ một hôm anh Nguyễn Vũ Bảo, Giám đốc Công ty Bảo hiểm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo tại Vũng Tàu (Bộ GTVT) điện ra cho hay: “Chuẩn bị tư tưởng có tin buồn, bố cậu vừa mất”, rồi anh động viên an ủi tôi. Ở giữa biển trời, tôi chỉ biết thắp nén nhang tưởng nhớ bố.

Trước đó, lúc mẹ mất vào năm 1979, tôi đang ở Trạm Hải đăng luồng cảng Đà Nẵng. Chờ đợi tàu lửa thời bao cấp hồi ấy về đến Hải Phòng mất tới 10 ngày, nên không có mặt tiễn đưa mẹ được!”…

Cuộc đời lênh đênh sóng nước, hạnh phúc gia đình cũng thiệt thòi. Cưới vợ được 19 ngày anh Thu đã phải ra đảo làm nhiệm vụ. Sau này cả 2 đứa con trai chào đời anh không có điều kiện ở nhà chăm sóc vợ. Ở nhà, một tay người vợ trẻ BS sản khoa Lê Thị Tuyết đảm đang nuôi nấng, dạy dỗ con cái.

Tiếp bước truyền thống gia đình, hai con anh Thu là Nguyễn Thái Lâm, Nguyễn Thái Hùng đều học hành thành đạt, tốt nghiệp ĐH Bách khoa ngành Dầu khí, ĐH Hàng hải Hải Phòng, công tác ở giàn khoan Vũng Tàu mỗi tháng về nhà một lần...
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem