Ngày 16.12, sau sáu ngày ra Hải Phòng dự một cuộc thi hoa vương gà, anh Hưởng quận 1 (TP HCM) ra sân bay về nhà ngay, vì lo lắng cho sức khỏe, vẻ đẹp của hai "thí sinh" sẽ tranh tài tại cuộc thi tổ chức ở huyện Hóc Môn, diễn ra vào dịp tết dương lịch (ngày 1/1). Anh cho biết, trước khi đi đã nhờ mẹ chăm sóc gà giúp nhưng không yên tâm.
Hiện nay, Hưởng đang nuôi 70 con gà kiểng, giống Tân Châu để chuẩn bị cho các cuộc thi diễn ra trong năm tới. Ảnh: Phan Thân.
Vừa bước vào nhà, chỉ kịp cởi đôi giày là anh lên sân thượng kiểm tra kỹ từng chú một. Nhìn một chú mặt bị sưng, mào tổn thương, anh tiếc nuối: "Con này tôi tính sẽ mang đi thi, vậy mà thua rồi". Nói xong anh xắn tay áo dọn dẹp chuồng, trộn thức ăn, đưa từng con đi tắm, vuốt từng sợi lông.
Có bố mê gà kiểng, vì thế, Hưởng bắt đầu nuôi gà đi thi hoa vương từ năm 14 tuổi. Đến nay, sau 10 năm tích lũy kinh nghiệm, anh trở thành một "ông bầu" mát tay khi giới thiệu nhiều ứng viên ra tranh tài có giải.
Lần gần đây nhất diễn ra hồi tháng 7 được tổ chức tại huyện Hóc Môn, chú Chuối trắng của anh đã giành ngôi hoa vương.
Theo Hưởng, tiêu chuẩn của một chú gà đẹp là phải có thân hình cân đối, nặng 0,8 - 1,15 kg và tuổi đời 9 - 12 tháng. Lông đuôi dài 70 cm, lông mướt, phồng xòe... Đặc biệt là chú ta phải thích tiếp xúc với người lạ, biết xô dáng thẳng, ngẩng cao đầu khi trình diễn. Để đạt những điều đó, "ông bầu" phải có chế độ chăm sóc đặc biệt.
Ngoài chích ngừa, tắm, phơi nắng, vuốt lông thì phải cung cấp thức ăn đa dạng, chất lượng, ở mức vừa đủ. Ăn nhiều gà bị nóng đến thừa cân, lông mọc không đẹp. Nếu ít quá, gà sẽ không đủ cân nặng, lông khô cứng, thay lông chậm. Ngoài ra, hằng ngày, chủ phải trò chuyện, chơi đùa, đưa gà đi chơi ở chỗ đông người để tập dạn dĩ.
Năm 2009, cuộc thi được tổ chức tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, chú gà của Hưởng đoạt giải ba (giải á vương 2). Ảnh: NVCC.
Nhiều lần gà có giải, nhưng đằng sau đó là hàng loạt những rủi ro. Đó là khi cuộc thi diễn ra mà gà chưa thay lông xong, hay chú đột ngột bị bệnh, bị mất cắp thì bao nhiêu công sức đổ bể hết.
"Lo nhất là khi đưa gà đi thi ở xa, tôi đi máy bay không mang theo được. Nhiều lần đến nơi, chờ đến hai ngày sau nó vẫn không thấy đâu, liên hệ với nơi gửi không được tôi như ngồi trên đống lửa. Cho đến sát ngày thi, tôi mới được gặp 'thí sinh' vì chỗ vận chuyển họ gửi nhầm. Nhìn chú gầy, lông xác xơ, thương lắm", Hưởng kể.
Anh cho biết, gà có đặc điểm chịu nhiệt kém, chỉ cần sơ sẩy một chút là lăn ra bệnh, vì thế, Hưởng chẳng dám đi đâu lâu. "Vừa rồi, tôi đi có 6 ngày mà về nhìn đàn gà ốm đi trông thấy. Một chú còn bị bệnh, tôi phải chích thuốc, thức đêm coi chừng. Hôm nay, chú đỡ hơn rồi nhưng không thể mang đi thi được", Hưởng nói.
Trước đây, Hưởng chăm gà kiểng Thái Lan. Sau đó, anh chuyển sang nuôi gà kiểng Tân Châu, vì giống gà này hội đủ các tiêu chí của cuộc thi. Hiện nay, sau khi lai tạo với nhiều giống trên thế giới, gà Tân Châu đã đẹp hơn về mã ngoài, nhưng vẫn giữ được phom dáng chuẩn.
Thời gian tới, Hưởng tính sẽ xây thêm chuồng để nhân giống và phát triển thành nơi sản xuất gà kiểng, cung cấp cho những người có niềm đam mê như anh.
Anh Thái Minh Đức, 33 tuổi, quận 6 từng có hơn 8 năm làm giám khảo các cuộc thi hoa vương gà cho biết, các cuộc thi thường được tổ chức vào dịp lễ tết, cũng có thể vào một dịp nào đó do ban tổ chức đặt ra. Những chú đoạt giải trong câu lạc bộ sẽ được cử đi thi giải khu vực, thắng tiếp thì được chọn để thi giải quốc gia. Tuy nhiên, rất hiếm một con có thể đoạt giải liên tiếp đến hai lần, bởi chúng có thời gian thay lông xen kẽ, mất đẹp.
Theo anh Đức, gà đạt ngôi vương có thể bán tới 70 - 150 triệu/con và được các anh em trong câu lạc bộ gà đẹp chia sẻ để nhân giống.
Phan Thân (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.