Chàng Trương Chi mù thổi sáo bên hồ Gươm

Chủ nhật, ngày 07/10/2012 13:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ai đã tới cầu Thê Húc ở hồ Gươm (Hà Nội) đều bị tiếng sáo khi réo rắt, khi êm ái mê hoặc. Ở đó chàng thanh niên khiếm thị Trương Văn Phong vẫn ngày ngày lặng lẽ góp tiếng nhạc cho đời, bán sáo mưu sinh.
Bình luận 0

Suốt 10 năm qua, âm thanh ấy như một liều thuốc để mọi người xích lại gần nhau, đồng thời xua đi bóng tối cuộc đời mình. Chàng trai ấy được nhiều người đặt cho cái tên là chàng Trương Chi mù.

Gian khó vào đời

Năm 1980, Trương Văn Phong cất tiếng khóc chào đời ở vùng quê nghèo Sơn Khê, Lý Nhân, Hà Nam. Tuổi thơ của cậu bé Phong trôi đi trong nỗi đau dữ dội. Đôi mắt của cậu, vùng lông mày đã bị những khối u thịt nổi lên che lấp. Đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, đôi chân cũng vì thế dò dẫm bước đi đầy gian khó để vào đời.

img
Những bản nhạc từ tiếng sáo của Phong đã lay động lòng người

Cuộc đời không cho Phong đôi mắt lành lặn, nó đã cướp đi những cơ hội được học tập và vui chơi như chúng bạn cùng trang lứa. Năm 12 tuổi, Phong được gửi lên Hà Nội theo học tại Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu ở quận Hai Bà Trưng.

Mười năm sau, Phong tốt nghiệp và bắt đầu cuộc mưu sinh gian khó nơi Hà thành. Lúc đầu, Phong lang thang kiếm sống khắp những con phố, ngõ ngách ở thủ đô bằng nghề rao bán các sản phẩm do những người khuyết tật làm ra, chủ yếu là tăm tre. Nhưng rồi Phong chợt nhận ra đó không phải là nghề phù hợp với mình.

Tuổi thơ của Phong cũng như bao đứa trẻ khác được nghe tiếng ru hời của mẹ, được nghe tiếng sáo diều vi vu trong gió thổi trưa hè. Cũng rất đỗi tự nhiên, từ bé Phong đã có năng khiếu thổi sáo. Chính tài lẻ ấy đã giúp Phong nghĩ ra ý tưởng thổi sáo phục vụ khách du lịch khi đến thăm quan Hồ Gươm. Đồng thời, Phong cũng bán sáo và hướng dẫn cách thổi cho những ai yêu thích.

Phong rất vui vẻ khi tiếp chuyện và giải đáp thắc mắc cho bất cứ ai gặp mình. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời Phong, Phong tươi cười tâm sự: “Thế mà cũng đã qua chục năm gắn bó với không gian quanh hồ Gươm này rồi đấy các bạn ạ.

Đôi mắt dẫu không nhìn thấy, nhưng cũng đã lắng nghe được biết bao buồn vui cuộc đời, lắng nghe được niềm vui sướng của những người lần đầu đặt chân đến Hà Nội, cũng cảm nhận được âm thanh quen thuộc của những người ngày ngày qua đây tập thể dục. Hồ Gươm như một nơi lắng đọng, chứa đựng tâm sự của người dân tứ xứ vậy”.

Mỗi ngày Phong bán được khoảng chục cây sáo, nhận về ít tiền lãi để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ, gian khó nơi Hà thành. Bố mẹ đều đã già, bản thân mình lại là con cả, nên Phong tâm sự: “Không thể vì lý do tật nguyền mà trông chờ vào bố mẹ hay các em được. Mình phải tự sống bằng chính sức lực của bản thân, và từ những đồng tiền do mình kiếm ra”.

img
Dù đôi mắt không lành lặn, khuôn mặt biến dạng, nhưng Phong vẫn luôn luôn nở nụ cười chào đón mọi người đến bên mình

Có những hôm, Phong ngồi lặng lẽ thổi khúc nhạc buồn như chính thân phận của mình vậy. Chẳng bán được cây sáo nào, dù những người tò mò, hiếu kỳ đến vây bên anh đông nghịt. Còn những ngày mưa gió, anh cũng không thể lê bước ra cầu Thê Húc. Vì những lẽ đó, cuộc sống mưu sinh, ở nhà trọ của Phong gặp không ít gian khổ.

Khúc nhạc tâm giao

Thổi sáo như một năng khiếu bẩm sinh mà Phong may mắn có được. Nó như một quy luật bù trừ của cuộc đời, khi đôi mắt của Phong không còn lành lặn giống như bao người. Tiếng sáo của của Phong đã giúp anh hòa nhập và gần gũi hơn với mọi người, và đồng thời âm thanh ấy cũng giúp nhiều người hiểu được giá trị cao đẹp của cuộc sống; nó giúp con người ta biết sống và yêu thương nhau hơn.

Cuộc sống bon chen, với những bước chân hối hả, xe cộ ầm ĩ chốn đô thành ngày ngày cũng không thể xóa đi được tiếng sáo trong trẻo, bình dị của chàng thanh niên khiếm thị Trương Văn Phong. Âm thanh ấy như một phần không thể thiếu được trong cuộc sống nơi này.

Ngày ngày, hàng nghìn lượt người lên xuống cầu Thê Húc, ra vào đền Ngọc Sơn vẫn không quên nán lại nghe tiếng sáo của Phong. Những vị khách nước ngoài thích thú lắng nghe tiếng sáo. Họ vẫn thường yêu cầu anh thổi cho nghe những bản nhạc mà mình yêu thích.

Những lúc như thế, anh không chỉ vui vẻ đáp ứng yêu cầu, mà còn tận tình hướng dẫn mọi người cách thổi, từ những người chưa bao giờ thổi sáo, cho đến những người có mong muốn học được những bản nhạc dài và đòi hỏi kỹ thuật cao.

Anh không ngần ngại dùng cây sáo mà bạn anh đặt mua cho (cây sáo có giá lên tới nửa triệu đồng) để thổi cho chúng tôi thưởng thức giai điệu của bài hát Xuân về trên bản Mường. Âm thanh và giai điệu thiết tha vang lên như lay động lòng người. Chúng tôi cứ lặng lẽ lắng nghe tiếng sáo của Phong, rồi mơ màng như bị thứ âm thanh kỳ diệu ấy kéo đi như điệu kèn mời gọi người yêu trong các phiên chợ tình nổi tiếng của người dân xứ Mường.

10 năm nay anh vẫn chỉ ngồi bên cây cầu Thê Húc này, cũng bằng đó thời gian, tiếng sáo của Phong bầu bạn với hồ Gươm nghìn năm tuổi. Tiếng sáo ấy cùng chàng trai hiền lành, tốt bụng nhưng kém may mắn đã trở thành người bạn tri âm, tri kỷ của những người lao công, bảo vệ, du khách… và tất cả mọi người thực hiện các nhiệm vụ khác nhau quanh hồ Gươm.

img
Mọi người vây quanh anh, lặng lẽ cùng nghe tiếng sáo trong trẻo, véo von

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thấy chị lao công hay anh bảo vệ hồ Gươm chạy ra và í ới gọi “anh Phong ơi, thổi cho em nghe bài đi…”, “anh Phong ơi, thổi cái bài hôm qua cho bọn em nghe với”… Rồi họ lại cùng nhau lặng im nghe tiếng sáo trong trẻo, véo von vang lên theo cơn gió mùa thu, bên con sóng hồ Gươm lăn tăn gờn gợn.

“Phải công nhận là nghe tiếng sáo của anh Phong, bọn em có hứng thú làm việc hẳn…” – anh Lịch, bảo vệ hồ Gươm, lắng nghe tiếng sáo trong niềm thích thú và nói với chúng tôi như vậy.

Tiếng sáo cất lên phụ thuộc nhiều vào tâm trạng của người thổi. Những lúc vui, tiếng sáo của anh chuyển tải được sự vui tươi của mình vào trong đó. Ngược lại, những lúc anh buồn, tiếng sáo cũng trở nên trầm lắng hơn, thường khiến lòng người cảm thấy nao nao.

Trong phút nghỉ ngơi, Phong chia sẻ: “Khi mọi người nán lại lắng nghe tiếng sáo của tôi, với cách họ yêu cầu bản nhạc này, khúc hát kia, những cảm nhận về tiếng sáo, thì dù không nhìn thấy, tôi vẫn cảm nhận được phần nào tâm trạng của họ.

Tôi từng thổi những bản nhạc cho những cô bé thất tình nghe, cũng thường thổi sáo theo yêu cầu của những người đang gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống… Mỗi người đến với tôi với những tâm trạng khác nhau, nếu có thể làm một điều gì đó khi họ đang buồn thì đó là điều mà tôi luôn sẵn lòng. Vì khi đó, tôi hiểu rằng họ đang cần ai đó bầu bạn và sẻ chia, những tâm sự nhiều khi chính họ cũng không muốn nói ra bằng lời”.

Không cần nán lại bên chỗ ngồi của anh Phong quá lâu, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp được những “thính giả” có tâm trạng giống như anh chia sẻ.

Hải Yến, quê Nam Định, trầm tư lắng nghe tiếng sáo thổi bản Tình nhi nữ của Phong. Sau một thoáng buồn khi nhập tâm vào bản nhạc, Hải Yến tâm sự: “Ngày xưa, em thích nghe bản nhạc này qua tiếng tiêu của người yêu cũ, anh ấy thổi tiêu hay lắm, cũng biết thổi sáo nữa… Và thực sự thì cho đến giờ, em vẫn không thể nào quên được anh ấy…”. Sau khi nghe tiếng sáo của Phong, Hải Yến mở điện thoại và bật lại bản nhạc mà người yêu cũ của chị từng thổi.

Thổi sáo như một năng khiếu bẩm sinh mà Phong may mắn có được. Nó như một quy luật bù trừ của cuộc đời, khi đôi mắt của Phong không còn lành lặn giống như bao người. Tiếng sáo của Phong đã giúp anh hòa nhập và gần gũi hơn với mọi người, và đồng thời âm thanh ấy cũng giúp nhiều người hiểu được giá trị cao đẹp của cuộc sống; nó giúp con người ta biết sống và yêu thương nhau hơn.

Hiện Phong có hai cây sáo được làm từ loại trúc rất đặc biệt, mà anh nhờ người bạn đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội đặt mua, có giá lên tới 500.000 đồng. Đây là hai cây sáo mèo có màu nâu sẫm, được làm một cách tinh xảo, âm thanh của nó giống như tiếng khèn mà chỉ những người từng đặt chân đến những phiên chợ tình vùng cao mới may mắn nghe thấy được.

Hoài bão bất ngờ

Ai muốn lắng nghe tiêng sáo của Trương Văn Phong thì hãy ra hồ Gươm, dạo đến bên cầu Thê Húc trong khoảng thời gian từ 9g30 - 18g30 hằng ngày. Dù bước đi khá khó nhọc và đôi mắt nhìn đâu cũng thấy bóng tối, nhưng Phong vẫn cố gắng ngày ngày ra đây bán sáo và phục vụ âm nhạc miễn phí cho mọi người. Những người đi qua hồ Gươm, từng nán lại nghe tiếng sáo của Phong đều không thể nào quên được một nụ cười vô tư, không mảy may có chút toan tính, cùng nghị lực rất đáng khâm phục của một thanh niên tật nguyền.

Nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi được nghe Phong tâm sự về giấc mơ được trở thành một doanh nhân của mình: “Âm nhạc chỉ là giải trí, nhưng từ rất lâu, ngay từ những ngày còn bé, tôi đã rất thích và nuôi mong muốn sau này sẽ trở thành một nhà kinh doanh. Khi nào có điều kiện, tôi nhất định sẽ thực hiện niềm mơ ước đấy”.

Không chỉ mưu sinh với những cây sáo, Phong đã học thành thạo chữ nổi, đồng thời anh cũng biết sử dụng vi tính một cách rành rẽ, biết các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị… Tất cả để nhằm mục đích trở thành một doanh nhân trong tương lai của Phong.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem