Chặt điều, cà phê để trồng dứa, dân Krông Bông thu bộn tiền

Thứ ba, ngày 25/07/2017 19:15 PM (GMT+7)
Cây dứa đồi đã giúp hàng chục hộ dân 2 xã vùng sâu của huyện Krông Bông Bông (Đăk Lăk) là Cư Đrăm và Yang Mao có nguồn thu nhập cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do người dân có xu hướng trồng ồ ạt, đầu ra chủ yếu dựa vào thương lái nên việc mở rộng diện tích trồng dứa tại đây cũng đang gây lo ngại về tiêu thụ.
Bình luận 0

Thời gian này, các hộ dân vẫn đang tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng dứa.

img

Vườn dứa hơn 2ha của gia đình ông Tư đang trong mùa thu hoạch. 

Ông Trần Văn Tư, thôn 1, xã Cư Đrăm hiện có hơn 2ha dứa đang cho thu hoạch quả. Ước tính vụ này, ông Tư sẽ thu hơn 3 ngàn quả dứa. Với giá bán buôn 15.000 đồng/quả, thì gia đình ông cầm chắc trong tay hơn 450 triệu đồng. Ngoài tiền bán quả dứa, ông còn bán giống được gần 50 triệu đồng. Trong lúc nhiều cây trồng khác đầu ra hết sức bấp bênh, thì cây dứa đang cho ông Tư một mức thu nhập cao và hết sức ổn định.

Trước đây, vùng đất này quá dốc nên ông Tư trồng điều và cây keo lá tràm đều không hiệu quả. Do tầng đất mỏng, cây điều không năng suất, còn cây keo giá thấp nên ông đã bàn bạc với cả nhà quyết định chặt bỏ để trồng 30 ngàn gốc dứa. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây dứa đem lại, năm nay ông tiếp tục mở rộng thêm hơn 2ha nữa.

Ông Tư cho biết: “Mấy năm nay giá dứa tương đối cao. Dứa thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn mua hết đến đó. Trồng dứa mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần các loại cây trồng khác. Vừa rồi gia đình tôi chặt bỏ tiếp 1,5ha điều và gần 1ha cà phê kém hiệu quả để trồng thêm dứa. Đất ở đây cũng rất hợp với cây dứa, quả dứa to và nhiều nước lắm”.

img

Tiểu thương vào thu mua dứa tại thôn 1, xã Cư Đrăm.

Trước gia đình anh Võ Tấn Yên ở thôn 1, xã Cư Đrăm thuộc diện khó khăn, thường xuyên phải nhận trợ cấp kinh tế từ địa phương. Hai năm trước anh mạnh dạn trồng 8 sào dứa ở vùng đất dốc. Với giá bán buôn như hiện tại, ước tính 8 sào dứa mùa này, gia đình anh Yên sẽ thu về khoảng 120 triệu đồng. Điều đó đang thôi thúc anh ý định mở rộng thêm diện tích dứa.

Anh Yên cho biết: “Trồng dứa chi phí thấp, ít bón phân, không phải tưới nước, chủ yếu là công trồng, làm cỏ, thu hoạch. Gia đình có sẵn đất, tự túc được giống nên năm nay gia đình dự định trồng mới khoảng 2ha nữa. Tất nhiên tôi sẽ nghe ngóng thêm vì sợ trồng nhiều dứa quá thì giá bán có còn cao như bây giờ nữa không”.

Hiệu quả kinh tế cây dứa mang lại trong những năm qua khá rõ, đã giúp một số hộ dân ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông đổi đời. Gần đây một số cây trồng như điều, cà phê, sắn, ngô lai... thường xuyên mất mùa, mất giá, sâu bệnh nhiều, đầu ra phập phù đặc biệt là cây hồ tiêu ở các địa phương này giảm mạnh do nhiễm sâu bệnh, trong khi giá dứa ổn định, chi phí thấp, ít sâu bệnh, phù hợp với đất đồi dốc nên rất nhiều bà con nông dân đã “chạy theo”, đồng loạt chuyển đổi sang trồng dứa.

img

Anh Võ Tấn Yên ở thôn 1, xã Cư Đrăm bên những quả dứa vừa thu hoạch.

Ở 2 xã Cư Đrăm và Yang Mao nhiều bà con vẫn tiếp tục chuyển đổi, trồng mới hàng chục ha từ nguồn vốn sinh kế của dự án giảm nghèo Tây Nguyên và một số hộ tự phát chuyển đổi cây trồng. Chính cơn "sốt" trồng dứa có dấu hiệu lan rộng nên dù đang là cây có giá trị kinh tế cao, thì nhiều người cũng bắt đầu e ngại. Bởi diện tích dứa một khi tăng quá nhanh sẽ đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng tiêu thụ.

Lãnh đạo địa phương cho biết, năm 2015 diện tích dứa của 2 xã mới khoảng 30ha, sản lượng 900 tấn thì năm 2017 đã tăng lên 120ha, sản lượng ước tính gần 3.600 tấn, tức là chỉ trong 2 năm tăng tới 4 lần về diện tích. Trong khi đầu ra, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu thương ở các nơi về mua. Thậm chí người dân cũng chẳng nắm được tiểu thương mua dứa mang đi đâu, trên địa bàn có nhà máy chế biến dứa không.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết: “Bà con đang ồ ạt trồng dứa, mong làm giàu từ cây dứa. Trong khi đầu ra chỉ là các tiểu thương trong vùng mua gom dứa bán buôn lại cho đầu mối các chợ ở TP Buôn Ma Thuột và một số chợ ngoài địa phương; giống dứa thì bán cho các xã khác và một số xã của huyện Krông Pắc. Mong muốn của địa phương là có được những hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, với số lượng lớn của các nhà máy chế biến dứa hoặc các cửa hàng, siêu thị. Như vậy mới yên tâm phát triển cây dứa đồi bền vững”.

Tùng Lâm (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem