Chật vật mới thoát khỏi kiếp "chui gầm chạn" tủi cực, "tủ bát" lại đòi ở chung

Thứ tư, ngày 27/05/2020 18:05 PM (GMT+7)
 Tôi xuất thân ở quê, gia cảnh làm nông nên nghèo khó. Để học đến đại học, bám trụ được ở thành phố là một nỗ lực không hề nhỏ của bản thân.
Bình luận 0

Ngày tôi yêu vợ tôi, bố mẹ cô ấy phản đối kịch liệt. Họ mắng con gái “đường quang không đi, đi quàng bụi rậm”. Họ tin chắc con gái họ lấy tôi sẽ khổ. Nhưng vợ tôi, từ nhỏ đã được nuông chiều, tính tình ương bướng, dù bố mẹ phản đối cũng quyết lấy tôi cho bằng được. Sau vài lần chia tay không thành, chúng tôi cưới nhau với điều kiện tôi phải về “ở rể”.

Muốn tôi về ở rể, dĩ nhiên không phải vì nhà vợ muốn tôi sống chung, mà vì họ không muốn con gái mình phải ở nhà thuê không đàng hoàng thiếu thốn. Tôi vốn nghĩ, vợ đã bất chấp vì yêu mình như vậy, mình vì vợ một chút cũng xứng đáng thôi. Nhưng ông bà ta nói, phận ở rể như “chó chui gầm chạn” không sai.

Chật vật mới thoát khỏi kiếp "chui gầm chạn" tủi cực, "tủ bát" lại đòi ở chung - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hai năm ở rể, tôi không biết phải đong đo những đắng cay tủi nhục như thế nào. Bố vợ thì bình thường, nhưng mẹ vợ thì tùy hứng mỉa mai miệt thị, sỉ nhục tôi bằng nhiều lời lẽ khó nghe cay đắng. Tôi không hiểu sao một người làm mẹ lại có thể đối xử với con rể mình như vậy chỉ vì nó xuất thân gia cảnh nghèo khó.

Đến khi chúng tôi có con thì sự chịu đựng của tôi đã chạm tới giới hạn. Tôi khuyên vợ tôi ra ở riêng. Vợ tôi lúc đầu không muốn đi. Bố mẹ vợ vừa mắng con rể, vừa dỗ ngọt con gái. Nhưng vì tôi kiên quyết rời khỏi nhà, vợ tôi cũng đành đi theo. Chúng tôi mua một căn hộ trả góp, tuy còn nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc riêng của tôi chỉ có thể tính bắt đầu từ đó.

Rồi tuần trước, trong bữa cơm, vợ tôi thủ thỉ với tôi, nói muốn đón mẹ về sống chung, đó là ý muốn của mẹ cô ấy. Sau khi bố vợ qua đời, em trai kết hôn, mọi người sống cũng không hòa hợp. Nghe nói bà không sống nổi với cô con dâu ương bướng nữa, con trai lại luôn bênh vực vợ. Bà cảm thấy cô đơn lạc lõng trong nhà, tính tính bỗng trầm mặc hẳn lại. Bà nói với vợ tôi, nếu bà cứ sống ở đó rồi sẽ phiền muộn mà chết.

Tôi nghe vợ nói xong, miệng không nuốt nổi cơm. Tuy sống riêng đã lâu nhưng ký ức hai năm làm rể đầy cay đắng của tôi chưa hề phai nhạt, bao nhiêu lời miệt thị nhục mạ mẹ vợ từng nói với tôi lại vang lên. Còn nhớ ngày tôi dắt vợ con ra khỏi nhà, mẹ vợ mắng theo: “Để xem không có nhà này chúng mày sẽ sống thế nào, đã nghèo còn bày đặt sĩ diện”.

Tôi nói với vợ:

- Anh không hình dung nổi cả phần đời còn lại phải sống chung với mẹ em sẽ như thế nào. Mẹ em, em cũng biết rồi. Bà rất ghét anh, đối với anh chỉ có sự khinh khi coi thường. Với con trai bà còn không ở được, làm sao ở được với con rể chứ?

- Em biết anh sẽ không thích. Mẹ cũng ngại, bảo em ướm hỏi anh có được không. Mẹ nói nếu anh không ưng, mẹ sẽ vào viện dưỡng lão ở. Như vậy em thấy mình thật bất hiếu, thật sự không đành.

Tôi bàn với vợ, sống ở viện dưỡng lão cũng không phải là điều gì quá tệ. Chẳng phải ở phương Tây phần lớn người ta đều sống thế cả? Dù sao ở đó cũng có người chăm sóc, có bạn già, biết đâu bà vui vẻ hơn là sống với con cháu không vừa mắt vừa ý bà. Nếu bà ở viện dưỡng lão, mọi khoản chi phí tôi sẵn sàng đóng góp. Thế nhưng vợ tôi khóc suốt, nói vấn đề của mẹ không phải là tiền. Bà có rất nhiều tiền, không cần con cái nuôi, chỉ muốn sống chung với con cái.

Không phải tôi không hiểu tâm ý của vợ, chỉ là giữa tôi với mẹ vợ đã có quá nhiều ác cảm. Sau khi sống riêng, vợ chồng tôi đã có cuộc sống như mơ như ý. Nếu để bà về sống cùng, ngôi nhà này còn vui vẻ ấm cúng được không?

(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại. 


Trường (Theo Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem