2024-2025 là năm học mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về đích khi phủ sóng toàn bộ cấp học. Đây là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10, lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình này. Tuy nhiên, việc dạy và học còn nhiều bất cập
Trong 5 năm qua, hàng triệu giáo viên (GV) và học sinh (HS) cả nước thực hiện giảng dạy, học tập theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (còn gọi là chương trình mới) với rất nhiều thay đổi so với trước đây. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm nay, GV chủ nhiệm lớp 9 tại một trường học ở quận 7, TP HCM cho biết không chỉ HS mà GV cũng phải… học theo chương trình mới!
Thay đổi lớn khi không còn điểm số
Theo nhiều GV và chuyên gia giáo dục, điểm khác biệt rõ rệt nhất, cũng là thay đổi có tính mạnh mẽ nhất ở chương trình mới, là cách kiểm tra, đánh giá, nhận xét HS. Thay đổi này kéo theo quá trình giảng dạy, học tập cũng thay đổi.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TP HCM), nhận xét việc nâng cao vai trò của phụ huynh trong quá trình đánh giá thường xuyên ở bậc tiểu học là thay đổi tiến bộ nhất, phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực của HS. Cô Hà cho biết trong việc đánh giá thường xuyên ở nội dung học tập các môn học và hoạt động giáo dục, chương trình mới nêu rõ: Phụ huynh trao đổi với GV về nhận xét, đánh giá HS bằng các hình thức phù hợp; phối hợp động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện. Trong khi đó, chương trình cũ chỉ quy định khuyến khích cha mẹ HS trao đổi với GV.
Theo cô Hà, nếu chỉ quan tâm đến kết quả đánh giá định kỳ hoặc chú trọng điểm số trong quá trình đánh giá như trước đây (trước năm học 2014-2015) thì sẽ tạo nhiều áp lực với HS và phụ huynh, nhất là với các em gặp khó khăn trong học tập. Bởi lẽ, điểm số chưa hẳn đã đánh giá đúng năng lực của HS vì kết quả làm bài phụ thuộc nhiều yếu tố như sức khỏe, tâm trạng các em; cũng không ghi nhận được sự cố gắng của HS trong cả quá trình học tập…
Điểm số còn tạo ra sự so sánh giữa HS với nhau, là một trong những nguyên nhân nảy sinh tâm lý đố kỵ, dẫn đến tình trạng học trước chương trình.
"Do đó, việc đánh giá vì sự tiến bộ để HS thành công sẽ có tác dụng góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn và động viên các em phấn đấu vươn lên. Việc này giúp các em có hứng thú học tập, thích học và học tốt hơn" - cô Hà nhìn nhận.
Giáo viên không theo kịp
Dù vậy, chương trình mới với nhiều thay đổi trong kiểm tra, đánh giá HS, cùng với yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận khiến không ít GV bỡ ngỡ.
ThS Phạm Lê Thanh - GV môn hóa, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) - cho hay chương trình mới khuyến khích sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, như học tập trải nghiệm, dạy theo dự án và thảo luận nhóm. Việc này tạo điều kiện cho HS chủ động tìm hiểu và khám phá kiến thức, tích hợp liên môn; giúp các em hiểu rõ mối liên hệ giữa các lĩnh vực khoa học, từ đó phát triển tư duy toàn diện hơn.
So với chương trình 2006, chương trình mới tăng cường tính thực tiễn khoa học, cập nhật kiến thức hiện đại để HS dễ định hướng nghề nghiệp. Với môn hóa học, chương trình mới đưa ra các bài thực hành, yêu cầu cần đạt từng chủ đề học tập, GV thiết kế thí nghiệm để HS tăng kỹ năng thực hành, chủ động phát hiện kiến thức mới và hình thành năng lực tư duy phản biện. Thông qua các thí nghiệm, dự án học tập và hoạt động trải nghiệm, HS có thể áp dụng kiến thức lý thuyết đã tiếp thu vào thực tế…
Phương pháp kiểm tra, đánh giá được đổi mới theo mục tiêu rất hay, rất lý tưởng. Thế nhưng, khi thực hiện thực tế, nhiều GV cảm thấy rất áp lực, chạy theo không kịp.
GV một trường THCS tại quận 1, TP HCM cho rằng hiện nay, để có một đề thi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới là điều không hề dễ dàng. Có khi GV phải mất 3 ngày mới soạn xong 1 đề thi - từ việc tìm ngữ liệu đến câu chuyện phù hợp tâm lý lứa tuổi học trò… Vì thế, khó trách GV một số nơi phụ thuộc vào đề thi mẫu, bởi họ chưa được tập huấn, tiếp cận với những hướng dẫn ra đề thi theo chương trình mới.
Chẳng hạn, đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn theo chương trình mới có thêm phần trắc nghiệm. HS vừa viết văn vừa kết hợp trả lời trắc nghiệm là việc rất hay nhưng có điều, chưa GV nào được hướng dẫn cách ra đề thi trắc nghiệm.
"Việc kiểm tra, đánh giá hiện nay chưa thể đồng bộ với chương trình mới. Bởi thực tế, GV còn suy nghĩ khác nhau, có cách hiểu khác nhau nên chưa thống nhất trong việc kiểm tra, đánh giá. Các phần tập huấn GV dạy chương trình mới cũng chung chung, chưa xuất phát từ thực tiễn" - GV một trường THCS tại quận 1 nêu thực trạng.
Trong khi đó, thầy Phạm Lê Thanh cho rằng chương trình mới vẫn quá nặng khi HS phải học nhiều môn và tham gia các hoạt động khác nhau. Đáng chú ý, việc đánh giá HS theo năng lực và phẩm chất vẫn chưa được đồng bộ và rõ ràng, dẫn đến nhiều khó khăn trong kiểm tra, đánh giá chính xác sự tiến bộ của các em.
Theo thầy Thanh, nhiều GV vẫn còn quen cách đánh giá HS truyền thống, kiểm tra trên giấy; chú trọng kiểm tra kiến thức mà quên rằng việc phát triển năng lực của các em phải thông qua chuỗi hoạt động học tập, sự tương tác trên lớp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.