Ông Nguyễn Văn Nghệ được biết đến là một nông dân chính hiệu ở địa phương. Gia đình ông có một vườn cao su. Mấy năm qua, cây cao su đem lại thu nhập thấp, ông suy nghĩ đến việc tìm một loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn. Qua tìm hiểu các mô hình trồng trọt trên mạng internet, ông chọn cây quýt đường...
Ông Nguyễn Văn Nghệ đã chặt vườn cao su trồng quýt đường. Sau hơn 2 năm, vườn quýt đường của gia đình ông đã cho thu hái với sản lượng đạt 4 tấn. Vườn quýt đường nhà ông Nghệ cây nào cây nấy sai trĩu quả.
Ông Nghệ chia sẻ kinh nghiệm, cây quýt đường thường phải hơn hai năm mới có thể làm trái. Và để cây không mất sức, người ta thường chỉ làm trái 1 lần/năm. Nhưng với ông thì khác, ông bắt đầu làm trái khi cây mới 1,5 tuổi. Hiện nay, ông đang tiến hành xử lý cho vườn quýt ra trái từ 2-3 đợt/năm.
Làm cho quýt ra trái quanh năm theo ý muốn của người trồng có mặt lợi là đem lại thu nhập đều đặn, tránh được tình trạng thu hoạch vào mùa cao điểm, quýt bị dội hàng. Ông Nghệ cũng lưu ý, còn tuỳ theo thể trạng của cây mà cho quýt ra trái sớm hoặc muộn hơn.
Tốt nhất cây phải bảo đảm độ cứng cáp, khoẻ mạnh mới nên làm trái. Để cây cho năng suất, chất lượng cao, cần bón phân đầy đủ và hợp lý theo từng thời kỳ phát triển của cây. Với vườn quýt đường của mình, ông bón phân hữu cơ là chính.
Là một nông dân năng động, nhạy bén, qua thông tin trên báo đài, ông Nghệ mới biết được làm nông thời hiện đại cũng phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế sản xuất. Ở cái tuổi gần 50, ông bắt đầu tìm đến internet. Từ một người không hiểu gì về internet, nay ông đã biết cách sử dụng máy vi tính để lên mạng, đọc các thông tin về sản xuất, trồng trọt ở khắp mọi nơi.
Ông Nghệ cho biết, nhờ tìm hiểu thông tin trên mạng mà ông đã học hỏi được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đem áp dụng vào công việc sản xuất của gia đình. Như về hệ thống tưới nước cho vườn quýt, trước đây ông sử dụng hệ thống tưới phun sương tự động, nhưng sau này, ông nhận thấy tưới theo cách này đất ở phần gốc cây vẫn bị khô.
Sau khi tìm hiểu trên mạng internet, ông đã tự lắp một hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn quýt của mình. Theo ông, cách tưới này cho hiệu quả hơn nhiều, nước có thể thấm sâu vào gốc quýt, giúp giữ được độ ẩm cho đất. Cũng qua học hỏi trên mạng, thay vì dùng “nguyên xi” máy cắt cỏ có sẵn, ông tự chế lưỡi dao cắt cỏ bằng lưỡi dây gân, cắt cỏ sạch hơn, sát gốc và an toàn hơn.
Hiện sản phẩm quýt đường của ông Nghệ đã đạt về trọng lượng, hình dáng- trái to, tròn nhưng ông chưa hài lòng vì thấy nó chưa đạt đủ độ ngọt như mong muốn. Ông đang tiếp tục tìm giải pháp để đợt thu hoạch tới, trái quýt của mình đạt cả về năng suất lẫn chất lượng.
“Trong sản xuất không nên ngại thất bại. Bởi thất bại sẽ giúp ta có được bài học kinh nghiệm quý. Quan trọng nhất vẫn là phải có sự kiên trì, đam mê, biết thay đổi tư duy sản xuất, từ đó mới có thể đạt hiệu quả kinh tế cao”- ông Nghệ chia sẻ.
Thế Anh (Báo Tây Ninh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.