ChatGPT 'lấn lướt', giáo viên phải 'chạy' để làm chủ cuộc chơi?
ChatGPT 'lấn lướt', giáo viên phải 'chạy' để làm chủ cuộc chơi?
Mỹ Quỳnh
Thứ bảy, ngày 11/03/2023 11:55 AM (GMT+7)
Các chuyên gia khẳng định rằng, chatGPT không bao giờ thay thế được con người, đặc biệt là người giáo viên. Tuy nhiên, đội ngũ này cũng cần phải thay đổi, "chạy" nhanh hơn để làm chủ được công nghệ.
Thời gian gần đây, ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đứng trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và ChatGPT, bên cạnh những cơ hội thì cũng đặt ra những thách thức đổi mới đối với nền giáo dục Việt Nam nói chung và hoạt động giáo dục tại các cơ sở đào tào lĩnh vực sư phạm.
Cơ hội và thách thức
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm "AI, ChatGPT đối với việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay" với sự tham dự và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Tọa đàmxoay quanh các vấn đề: "AI, ChatGPT và tác động đến dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", "Cơ hội và thách thức đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và đánh giá trong bối cảnh "bùng nổ cơn sốt ChatGPT", "ChatGPT và định hướng cải tiến đánh giá học sinh ở Việt Nam trong bối cảnh dạy học phát triển phẩm chất, năng lực"…
ChatGPT ra đề và đáp án kiểm tra môn Hóa học
Theo các chuyên gia, cơ hội mà ChatGPT mang lại cho giáo viên, giảng viên trong việc ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục là rất nhiều. Trong đó có thể kể đến như cải thiện trải nghiệm học tập của học sinh thông qua việc đưa ra câu trả lời chính xác (ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi khó khăn, phức tạp mà giáo viên, giảng viên không thể trả lời ngay lập tức), tăng cường khả năng tư vấn, hỗ trợ của giáo viên, giảng viên đối với học sinh.
ChatGPT có thể tạo ra những bài kiểm tra hoàn toàn tự động, giúp giảm thiểu thời gian và công sức cho giáo viên, giảng viên trong việc đánh giá kiến thức của học sinh. Ngoài ra, ChatGPT cũng có thể đóng vai trò là một trợ lý giảng dạy đắc lực trong quá trình xây dựng các bài giảng, giúp giảng viên tối ưu hóa quá trình giảng dạy của mình.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng ChatGPT vào lĩnh vực giáo dục có thể mở ra những cơ hội mới cho giáo viên, giảng viên trong việc trao đổi, nghiên cứu, phát triển các ứng dụng giáo dục mới, cải tiến phương pháp giảng dạy và đào tạo, tạo ra những trải nghiệm học tập mới cho học sinh, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Dù vậy, những thách thức mà ChatGPT mang đến cũng khá đáng lo ngại. Một trong những thách thức đó là độ chính xác của kết quả trả về. ChatGPT là một công cụ tự động học máy, nó dựa trên dữ liệu huấn luyện để dự đoán và tạo ra câu trả lời, nếu dữ liệu huấn luyện không đầy đủ hoặc chưa được tối ưu, ChatGPT có thể trả về kết quả không chính xác hoặc thiếu logic.
Về sự hiểu biết nội dung giáo dục, chuyên gia nhận định, mặc dù ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, tuy nhiên nó không có sự hiểu biết về chủ đề một cách sâu sắc như một giáo viên chuyên môn. Điều này có thể dẫn đến việc ChatGPT không hiểu hoàn toàn các câu hỏi phức tạp hoặc không thể giải thích các khái niệm một cách rõ ràng và đầy đủ như một giáo viên thực sự.
Đặc biệt, ChatGPT không thể thay thế hoàn toàn việc tương tác giữa con người với con người trong giáo dục. Việc tương tác giữa giáo viên và học sinh không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ đồng cảm và sự tương tác xã hội, mà còn giúp giáo viên đánh giá được năng lực và tiềm năng của học sinh một cách chính xác hơn. Do đó, ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ một phần công việc của giáo viên trong việc giải đáp các câu hỏi và cung cấp thông tin, chứ không thể thay thế được vai trò của giáo viên.
Giáo viên cần "chạy" nhanh hơn và làm chủ công nghệ
Vấn đề được nhiều chuyên gia cũng như nhiều sinh viên tại buổi tọa đàm thắc mắc: liệu ChatGPT có thay thế hoặc làm mất đi vai trò của người giáo viên hay không?
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An nhận định, chắc chắn ChatGPT không thể làm được điều đó. Bởi vì, giáo viên là một ngành nghề đặc thù, họ phải lấy nhân cách của bản thân người dạy để góp phần tác động, hình thành nên nhân cách người học.
Theo TS An, ChatGPT không bao giờ có thể truyền tải được cảm xúc, sự tận tâm, sự thấu hiểu đối với từng cá nhân người học. Chưa kể, cách xử lý của thầy cô đối với mỗi học sinh sẽ truyền tải những thông điệp, bài học về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội; truyền cảm hứng để học trò trở thành những thế hệ có phẩm chất, có năng lực, có tư duy tích cực… Vai trò đặc biệt này của người thầy là không thiết bị nào thay thế được.
Dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Viết Hưng - Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, người dùng hoàn toàn có thể dạy cho ChatGPT các dữ liệu và các thông tin về cảm xúc. Nếu được huấn luyện, có thể ứng dụng này sẽ có được cảm xúc như con người. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Xuân Yến – Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cảnh báo, ChatGPT có thể thay thế giáo viên nếu người thầy không chịu thay đổi.
Cô Trần Thị Tâm Minh - Khoa Giáo dục Mầm non Trường đại học Sài Gòn nhìn nhận, ChatGPT sẽ trở thành công cụ hữu ích để hướng đến trường học thông minh, giáo dục thông minh nếu chúng ta tìm cách khắc phục những điều lo lắng. Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của ChatGPT, đội ngũ sư phạm cũng phải năng động hơn, "chạy" nhanh hơn để làm chủ được cuộc chơi.
Cô Minh phân tích, hiện nay đang là ChatGPT , nhưng khoảng 2 - 3 năm nữa sẽ là ứng dụng gì chúng ta chưa biết trước. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra một nguồn nhân lực có khả năng làm chủ kỷ nguyên số, dù là ChatGPT hay sau này là gì thì vẫn có khả năng sử dụng nó như một công cụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.