Châu Âu và các nước phương Tây trên thế giới đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Một số biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng của Nga, đây được đánh giá là một đòn mạnh đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí tự nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Nhằm đáp trả động thái này, Nga đã thực hiện một số biện pháp mà nhiều người mô tả là "tống tiền" năng lượng.
Sau khi đường ống Nord Stream 1 chạy từ Nga đến Đức bị đóng cửa trong vài ngày để bảo trì, Nga cảnh báo rằng họ sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Trước đó, kể từ khi bắt đầu chiến sự, Nga đã hạn chế hoặc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu thông qua một số đường ống khác, bao gồm cả Ba Lan và Bulgaria sau khi họ từ chối thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp của Nga.
Tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu được dự đoán sẽ kéo dài vào mùa đông do nguồn cung từ Nga bị cắt giảm, cũng như chi phí năng lượng cao, đã khiến người dân lo ngại và trong một số trường hợp, rất tức giận.
Tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, ước tính có khoảng 70.000 người đã biểu tình vào đầu tháng này để yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng cao, thậm chí kêu gọi nhà nước đảm bảo các hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp khí đốt, bao gồm cả Nga, theo Reuters.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Ý, nơi những người biểu tình đốt hóa đơn năng lượng của họ, Daily Express đưa tin, cũng như ở Đức và Tây Ban Nha, theo Politico.
Một phân tích được công bố trong tháng này bởi công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho thấy các quốc gia giàu có nhất ở châu Âu có nguy cơ chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự trong mùa đông này, trong bối cảnh giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng cao.
Elizabeth Carter, một trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Hampshire, nói với Newsweek rằng một trong những thách thức mà các nhà lãnh đạo châu Âu phải đối mặt trong mùa đông này trong việc giữ uy tín trước các cử tri là đảm bảo rằng mọi người có đủ khả năng sưởi ấm ngôi nhà của họ. Bà lưu ý rằng Anh đã công bố giới hạn giá trần cho các hóa đơn năng lượng dự kiến bắt đầu vào ngày 1/10 và kéo dài trong hai năm.
Các vấn đề khác mà các nhà lãnh đạo châu Âu có thể gặp phải bao gồm đảm bảo đủ nguồn cung cấp năng lượng trong suốt mùa đông.
Carter cho biết: "Thông thường, năng lượng tích tụ trong mùa hè và được sử dụng trong mùa đông, nhưng chiến lược này bị ảnh hưởng bởi mùa hè khô nóng cũng như đường ống khô cạn", Carter nói. "Vì vậy, có thể nói đây là một khó khăn kép. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tích cực khai thác các nguồn khác - thường với chi phí rất cao - và vẫn còn phải xem liệu điều này có đủ để đưa mọi người vượt qua mùa đông hay không".
Mặc dù vậy Roger Daniel Keleman, giáo sư khoa học chính trị và luật tại Đại học Rutgers, nói với Newsweek rằng người châu Âu vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga.
Một cuộc khảo sát của Flash Eurobarometer được công bố vào tháng 5 thăm dò ý kiến cư dân của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho thấy 80% số người được hỏi đã chấp thuận các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Carter không tin rằng sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với Ukraine và các lệnh trừng phạt sẽ bị ảnh hưởng lớn vào mùa đông bất chấp những khó khăn trước mắt.
Bà nói: "Tôi nghĩ phần lớn các nhà lãnh đạo châu Âu coi động thái của Tổng thống Putin là một kiểu tống tiền năng lượng. Người châu Âu vẫn kiên quyết chống lại chiến dịch của Nga ở Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt. Tôi nghĩ rằng sự ủng hộ của công chúng sẽ giảm đi phần nào vào mùa đông, nhưng tôi sẽ bị sốc nếu sự ủng hộ này suy yếu đủ để gây ảnh hưởng đến các lệnh trừng phạt".
Carter cũng nói rằng bà sẽ "cực kỳ ngạc nhiên" nếu sự bất bình của người dân châu Âu dẫn đến việc các nhà lãnh đạo nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Keleman cũng đưa ra một đánh giá tương tự, đồng thời lưu ý rằng những chiến thắng gần đây của Ukraine thực sự có thể khuyến khích sự hậu thuẫn từ phương Tây.
Ông nói: "Có rất nhiều sự ủng hộ, cả trong dân chúng lẫn giới lãnh đạo, trong việc duy trì các lệnh trừng phạt, và tôi nghĩ rằng điều đó thực sự được khuyến khích bởi những thành công mà Ukraine đang đạt được trên mặt trận quân sự gần đây".
Theo báo cáo, Ukraine đã giành lại một số lãnh thổ trong các hoạt động phản công của họ ở khu vực phía nam Kherson và khu vực phía đông Kharkov những ngày gần đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.