Theo báo cáo của Chỉ số Hòa bình Toàn cầu, hơn 3/4 các nước châu Âu đã chi nhiều hơn cho quân đội của họ vào năm 2023, trong bối cảnh khu vực hòa bình nhất thế giới lo ngại khả năng cuộc chiến của Nga với Ukraine ngày càng mở rộng.
Báo cáo của GPI, được công bố ngày 11/6 cho biết, dù châu Âu là khu vực có 7 trong số 10 quốc gia hòa bình nhất thế giới song họ cũng có 23 trong số 36 quốc gia đã trở nên kém hòa bình hơn.
Thụy Điển, quốc gia vừa trở thành thành viên mới nhất của NATO vào tháng 3 vì lo ngại xung đột với Nga đã tụt 22 bậc xuống vị trí thứ 39, mức độ yên bình thấp nhất kể từ năm 2008.
Ngoài ra, chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến châu Âu phải đánh giá lại mức chi tiêu quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Ấn bản thứ 18 của Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI), do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc công bố cảnh báo thế giới đang ở ngã tư đường, với số lượng xung đột toàn cầu lên tới 56, nhiều nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. 97 quốc gia được cho là có nền hòa bình xấu đi vào năm 2024, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ khi báo cáo bắt đầu được công bố vào năm 2008.
Các cuộc chiến tranh cũng đang ngày càng mang tính quốc tế hơn, với 92 quốc gia tham gia vào các cuộc xung đột bên ngoài biên giới của họ, nhiều nhất kể từ khi GPI bắt đầu ghi nhận tình trạng hòa bình của các quốc gia trên thế giới.
Ông Steve Killelea, người sáng lập và chủ tịch điều hành của IEP cho biết, chúng ta đang chứng kiến số lượng xung đột kỷ lục, sự gia tăng quân sự hóa và cạnh tranh chiến lược quốc tế ngày càng tăng.
“Các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới buộc phải tăng cường nỗ lực giải quyết nhiều xung đột nhỏ trước khi chúng leo thang thành những cuộc khủng hoảng lớn hơn”, ông Killelea tuyên bố.
Sự phức tạp và sự quốc tế hóa ngày càng tăng của các cuộc xung đột cũng làm giảm khả năng đạt được các giải pháp hòa bình lâu dài, dẫn đến “các cuộc xung đột mãi mãi”, chẳng hạn như những cuộc xung đột đang hoành hành ở Ukraine và Gaza.
Ngoài ra, xung đột vũ trang còn đang thay đổi do công nghệ quân sự và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng. Thiệt hại về người vì chiến tranh cũng đạt mức cao kỷ lục.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, 47.000 người đã thiệt mạng do xung đột toàn cầu. Trong khi đó trong suốt năm 2023, GPI ghi nhận 162.000 người tử vong liên quan đến xung đột, con số cao thứ hai trong 30 năm qua. Các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza ghi nhận hơn 37.000 người thiệt mạng trong 8 tháng, chiếm gần 3/4 số người thiệt mạng.
Theo báo cáo, thiệt hại kinh tế do xung đột là rất nghiêm trọng. Ukraine là một trong những quốc gia phải chịu thiệt hại kinh tế cao nhất do chiến tranh vào năm 2023, tương đương 68,6% GDP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.