Đặc biệt, độ tuổi luyện thi IELTS không phải ở học sinh trước ngưỡng cửa vào đại học, hay sinh viên mà xuống cả bậc tiểu học. Tình trạng học sinh đi học các khóa định hướng IELTS, tiền IELTS, luyện thi và thi chứng chỉ IELTS ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Đi 100km đưa con học ôn
Có con đang học lớp 12, chị Nguyễn Thị Linh (Thường Tín, Hà Nội) cho hay chị khá sốt ruột vì tình hình học tiếng Anh của con. Dù con đã ôn luyện thi đánh giá năng lực của ĐH Bách Khoa Hà Nội nhưng chị vẫn muốn con ôn thi thêm chứng chỉ IELTS mong cơ hội rộng mở hơn trong việc xét tuyển đại học vào năm tới.
Chị Linh cho biết, từ đầu năm nay, chị và con để ý đến các lớp, các trung tâm luyện thi IELTS. Ở gần nhà có nhiều trung tâm luyện thi nhưng học phí cho một khóa học khoảng 40-50 triệu đồng chỉ trong vài tháng nên gia đình chị không chọn vì khó kham nổi học phí. Đắn đo mãi, gia đình chọn lớp học trực tuyến cho mức học phí thấp hơn.
“Mò mẫm, đọc mãi về nhận xét của từng trung tâm cả tuần, cuối cùng hai mẹ con tôi mới “chốt” sẽ học ở một trung tâm có địa chỉ ngay khu gần trường ĐH Kinh tế Quốc dân với mức học phí 16 triệu đồng/6 tháng học. Nếu đăng ký học ngay trong tháng đó được giảm còn hơn 14 triệu đồng. Trung tâm cam kết đầu ra cho con là ở mức 7.5”- chị Linh chia sẻ.
Vị phụ huynh này chia sẻ, đúng là thời điểm này trung tâm dạy tiếng Anh nói chung và luyện thi IELTS mọc như nấm sau mưa với nhiều hình thức, nhiều lựa chọn và cũng nhiều mức học phí khác nhau khiến phụ huynh như rơi vào mê trận.
Anh Nguyễn Văn Dương (Bắc Giang) cho hay, 4 năm qua vợ chồng anh cần mẫn đưa con vượt gần 100km học 2 buổi tiếng Anh ở một trung tâm tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Anh Dương chia sẻ, hồi mới đưa con ra Hà Nội học thêm tiếng Anh con mới học lớp 2 và lớp 4. Đến thời điểm này con chị đã vào được một lớp tiếng Anh học thuật cam kết đầu ra là IELTS: “Sở dĩ bố mẹ và con vượt cả 100 km lên Hà Nội học vì muốn con học giáo viên chuẩn, chương trình học hay. Đằng nào cũng đầu tư rồi thì hãy tìm cách đầu tư sớm để có hiệu quả”- phụ huynh này chia sẻ.
Vì thế, ngoài tiền học phí 60 triệu/đồng đầu tư cho hai con, anh chị chia nhau thu xếp công việc cũng như tiền bạc để bền bỉ đưa con đi học: “Nếu tính cả tiền xăng xe cũng như bỏ công, bỏ việc, một năm riêng đầu tư cho môn tiếng anh lên tới cả 100 triệu đồng”- anh Dương nói.
Vì đâu nên nỗi?
Có một thực tế, vài năm trở lại đây, nhà nhà đưa con đi xem học tiếng Anh đặc biệt là chứng chỉ IELTS. Nhiều phụ huynh chạy đua theo tâm lý đám đông, gây ra những sức ép không cần thiết lên con cái. Thậm chí, không chỉ học một chỗ mà nhiều phụ huynh bắt ép con học 2-3 chỗ cho an tâm.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như hàng loạt trường đại học thay đổi hình thức tuyển sinh bằng chứng chỉ quốc tế, trong đó có chứng chỉ IELTS. IELTS lần đầu tiên được sử dụng như một trong các chỉ tiêu xét tuyển đại học vào năm 2017 bởi các trường “top” kinh tế. Đến năm 2018, các trường thuộc khối kỹ thuật và y dược cũng ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp với thí sinh có chứng chỉ IELTS. Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, IELTS vẫn chưa trở nên phổ biến lắm.
Đặc biệt, vài năm gần đây, IELTS mới được nhiều người chú ý hơn vì giúp học sinh nâng cao khả năng trúng tuyển đại học. Các hình thức xét tuyển kết hợp IELTS chiếm khoảng 5-20% tổng chỉ tiêu xét tuyển của mỗi trường. Chính vì thế mà nhiều học sinh Việt Nam bắt đầu tìm hiểu về chứng chỉ này hơn và coi như con át chủ bài để tìm thêm “cửa sáng” vào đại học.
Thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, vài năm trở lại đây học sinh 12 của trường đều học và thi lấy chứng chỉ IELTS rất nhiều . Thậm chí, có năm một lớp phải có tới 70- 80% học sinh một lớp thi lấy chứng chỉ này.
Mặt khác, nhiều học sinh dự thi các trường kĩ thuật nhưng để “chắc ăn”, các em không ngần ngại kêu gọi bố mẹ chi tiền cả 100 triệu để ôn luyện thi thêm chứng chỉ IELTS khi thời gian cách thời điểm xét tuyển chỉ còn vài tháng.
Chị Nguyễn Thị Hoài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chị vừa hoàn thành cho con khóa học với giáo viên ở trung tâm tiếng Anh và giáo viên kèm 1-1 tại nhà với mức học phí tiền triệu/buổi: “Đúng là con không xác định học theo ngay từ đầu nên chỉ có vài tháng ôn luyện nên hôm trước thi kết quả chỉ đạt 6.5. Dù không đạt theo yêu cầu để có thể xét tuyển vào những ngành cao ở các trường đại học nhưng con bảo đầu tư, gia đình cũng cố gắng bỏ hơn 100 triệu cho con theo học”- chị Hoài nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.