CHDCND Triều Tiên-Hàn Quốc: Gia tăng đối đầu, nguy cơ chiến tranh

Thứ hai, ngày 29/11/2010 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - CHDCND Triều Tiên triển khai nhiều tên lửa đất đối không SA-2 đến gần biên giới trên biển Hoàng Hải. Tại Seoul, nhà chức trách đã diễn tập phương án trú ẩn cho người dân tại 3.900 hầm trú ẩn.
Bình luận 0

Sáng 28-11, Hải quân Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài 4 ngày ở ngoài khơi bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, bất chấp sự phản đối và cảnh báo sẽ đáp trả mãnh liệt của CHDCND Triều Tiên.

Đạn pháo rung chuyển biên giới

Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, cuộc tập trận quy tụ 6.000 thủy thủ và 75 máy bay chiến đấu thuộc hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington của Mỹ, cùng các tàu chiến như USS Cowpens, USS Shiloh, USS Stethem và USS Fitzgerald. Phía Hàn Quốc cũng đưa 2 tàu khu trục, 1 tàu tuần tiễu hải quân, máy bay chiến đấu chống tàu ngầm tham gia tập trận.

img
Hàng không mẫu hạm USS George Washington trên đường tới biển Hoàng Hải tập trận

Cuộc tập trận diễn ra tại bờ biển phía Tây thị trấn duyên hải Taean, lùi sâu xuống phía Nam đường ranh giới trên biển vốn đang gây căng thẳng giữa hai miền. Cường độ của cuộc tập trận lần này được xem là mạnh hơn so với kế hoạch đã định. Các binh sĩ đã thực hiện diễn tập bắn đạn thật và ném bom. Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) nói rằng cuộc tập trận này nhằm phô diễn sức mạnh của liên minh Mỹ - Hàn cũng như "thể hiện cam kết của họ đối với sự ổn định khu vực thông qua việc răn đe".

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên đã triển khai nhiều tên lửa đất đối không SA-2 đến gần biên giới trên biển Hoàng Hải với Hàn Quốc. Các nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc nói "những tên lửa này dường như nhằm bắn các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc nếu chúng bay gần đường giới tuyến trên biển Hoàng Hải". Cũng theo nguồn tin trên, tên lửa SA-2 do Liên Xô thiết kế, có tầm bắn 13-30km. Các tên lửa khác như Samlet và Silkworm có tầm bắn lên đến 95km cũng đã được đưa lên bệ phóng. Trước động thái này của Triều Tiên, tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhà chức trách đã diễn tập phương án trú ẩn cho người dân tại 3.900 hầm trú ẩn trong trường hợp các tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng xâm phạm.

Giới chức Hàn Quốc đã yêu cầu các nhà báo trên đảo Yeonpyeong rời khỏi đảo trước ngày 28-11 do lo ngại về tình hình an ninh trên đảo trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành diễn tập hải quân chung. Hãng tin Yonhap ước tính trên đảo này hiện có khoảng 400 nhà báo.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết tiếng đạn pháo đã vang lên ở khu vực biên giới vào sáng 28-11 và đó có thể là loạt pháo bắn từ phía Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc đã rú còi báo động trên đảo Yeonpyeong (nơi xảy ra vụ nã pháo hôm 25-11), đồng thời ra lệnh cho người dân sơ tán vào các hầm trú ẩn. Chiều cùng ngày, giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết, Seoul đã bắn nhầm một quả đạn pháo về bên phía nam của khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và sau đó đã nhanh chóng gửi thông báo tới Triều Tiên rằng vụ bắn pháo là do nhầm lẫn. Theo đó, một đơn vị pháo đóng tại thị trấn biên giới Paju, tỉnh Gyeonggi, đã phát hoả nhầm và quả đạn pháo rơi xuống gần một ngôi làng bên sườn nam khu DMZ chia cắt hai miền Triều Tiên. Không có thương vong trong vụ “bắn nhầm” này.

Trung Quốc phản đối vũ lực

Phản ứng với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các cuộc tấn công quân sự nếu Mỹ và Hàn Quốc vi phạm lãnh hải nước này. KCNA phát tuyên bố của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên, cảnh báo rằng sự gia tăng đối đầu có thể dẫn tới chiến tranh. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cuộc tập trận mang tính chất "phòng thủ" nhằm ngăn chặn những động thái khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên. Ủy ban Hoà bình quốc gia Triều Tiên đã ra tuyên bố lên án cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, cho đây là "một hành động khiêu khích quân sự nguy hiểm" đẩy bán đảo Triều Tiên đến "tình trạng chiến tranh nghiêm trọng". Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất các trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên họp khẩn cấp tại Bắc Kinh vào đầu tháng 12 tới để tham vấn, trong bối cảnh tình hình căng thẳng sau vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên hôm 23-11 làm 4 người thiệt mạng. Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ cho biết, sau khi nghiên cứu cẩn thận, phía Trung Quốc đề nghị tiến hành cuộc tham vấn khẩn cấp giữa các trưởng đoàn đàm phán 6 bên để trao đổi ý kiến về các vấn đề quan ngại hiện nay đối với các bên.

Trước đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã bất ngờ thăm Hàn Quốc cùng với Trưởng đoàn đàm phán 6 bên Vũ Đại Vĩ và đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên. Nhấn mạnh tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đáng lo ngại, hai bên đã nhất trí rằng các bên liên quan cần thực hiện những nỗ lực chung để tiến hành các cuộc tiếp xúc và đối thoại nghiêm túc nhằm làm giảm căng thẳng, duy trì hoà bình và ổn định trên bán đảo này cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á. Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao vai trò xây dựng của Trung Quốc trong nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định Trung Quốc luôn cam kết theo đuổi hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy đối thoại. Trung Quốc phản đối bất cứ hành động nào gây tổn hại hoà bình và ổn định ở khu vực này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem