Chế tài mạnh nhưng khó... xử lý nghiêm?

Bảo Yến - Đình Việt Thứ sáu, ngày 16/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Những chế tài xử lý hành chính đối với hành vi buôn bán, sử dụng thuốc lá tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng để thay đổi hành vi và nhận thức của người dân về thuốc lá.
Bình luận 0

Nhiều chế tài xử lý mạnh tay

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới. Số liệu điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2015 cho thấy, Việt Nam, có 22,5% người trưởng thành sử dụng thuốc lá tương ứng với 15,6 triệu người. Trong đó, nam giới hút thuốc chiếm 45,3% và nữ giới hút thuốc chiếm 1,1%. Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những năm gần đây Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã có rất nhiều hoạt động nhằm làm giảm dần số người hút thuốc, nhưng mỗi năm cũng chỉ có thể giảm 1-2%.

Chế tài mạnh nhưng khó... xử lý nghiêm? - Ảnh 1.

Tuyên truyền không hút thuốc lá trong giới trẻ.

Nhờ những hoạt động truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình trong vòng sáu tháng trở lại đây (so với 44% năm 2017). 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc.

Ngày 15/10, Nghị định 98/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực. Tiếp đó, từ ngày 15/11/2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực. Cả 2 nghị định này đều có những nội dung về xử lý hành chính đối với hành vi buôn bán, sử dụng thuốc lá với mức phạt nặng.

Chẳng hạn như, tại Điểm c khoản 4 Điều 23 Nghị định 98 quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

Hay tại Điều 26 Nghị định 117 quy định về mức phạt tiền đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi như sau: "Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá".

"Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi".

Mức phạt tiền này chỉ áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tức là từ 6 - 10 triệu đồng).

Có đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý?

Chế tài mạnh nhưng khó... xử lý nghiêm? - Ảnh 3.

Về vấn đề này luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay: Điều 7 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá là được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Pháp luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định hành vi trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Khoản 1 Điều 25 Nghị định này cũng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Điểm c khoản 4 Điều 23 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó…

Thực tế, các quy định về trưng bày thuốc lá và cấm buôn bán thuốc lá ở một số địa điểm nhất định đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Cụ thể điểm b khoản 1 Điều 25 luật này quy định về bán thuốc lá phải đảm ứng các yêu cầu: Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ; người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Với việc vi phạm quy định này thì tại Điểm a Khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định về việc xử lý như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá…

Luật sư Cường nhận định, ở Việt Nam, những địa điểm bán thuốc lá chủ yếu là các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, quán nước… điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thường xuyên, liên tục kiểm tra, xử lý đối với những đối tượng này. Vì thế, dù pháp luật đã có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng thực tế việc xử phạt vẫn chưa thật nghiêm minh, chặt chẽ do đó hành vi vi phạm vẫn xảy ra nhiều. 

img

Cần nâng cao nhận thức cộng đồng

Những Nghị định này là thể hiện sự quyết liệt, cụ thể hơn trong quá trình đưa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá vào đời sống. Xử phạt mạnh tay đối với hành vi vi phạm việc buôn bán, sử dụng thuốc lá nghiêm cấm, ngăn chặn từ các Nghị định này sẽ có tác dụng, giảm bớt điều kiện tiếp cận với thuốc lá, đặc biệt với người dưới 18 tuổi.

Tôi nghĩ rằng, để cho điều luật đó đi vào đời sống hàng ngày, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng. Đương nhiên, vai trò của các lực lượng chức năng, cơ quan ban ngành rất mạnh, then chốt nhưng không phải lúc nào không phải lúc nào họ cũng có thể phức hợp những sự vụ, tình huống nảy sinh có tính chất nhỏ lẻ. Cho nên để tinh thần đó tốt và sống trong đời sống, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức cộng đồng, giác ngộ về tác hại của việc sử dụng thuốc lá cũng như các chất gây nghiện khác ảnh hưởng của con người. Vì vậy, cần phải tính đến việc truyền thông sâu rộng.

Nhà xã hội học - PGS-TS Trịnh Hòa Bình

img

Đẩy mạnh các chính sách xã hội

Bên cạnh các hình thức xử phạt, cần phải đẩy mạnh những chính sách như: Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem