Chi 600 tỷ, huy động 180.000 cán bộ điều tra nông thôn năm 2016

Bùi Hồng Liên Thứ hai, ngày 09/10/2017 16:57 PM (GMT+7)
Đó là con số vừa được ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục thống kê đưa ra tại buổi họp báo “Công bố kết quả chính thức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016”.
Bình luận 0

Chiều (9.10), tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo “Công bố kết quả chính thức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016”. Đây là hoạt động do Tổng cục điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung Ương tổ chức.

Để tiến hành cuộc Tổng điều tra này, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đã huy động trên 18 vạn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia liên tục từ 01.7.2016 đến 30.7.2016. Cuộc Tổng điều tra đã thực hiện thành công, đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

img

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Liên

Báo cáo đã đưa ra các chỉ số về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, đồng thời phân tích những thay đổi theo thời gian bằng các thông tin thu thập được của năm 2016 so với các cuộc điều tra từ các năm trước.       

Cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn, liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; gần 16,0 triệu hộ nông thôn và trên 1,0 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác.

Cuộc Tổng điều tra còn thu thập, xử lý, tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép trong Điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã công bố kết quả chính thức của cuộc Tổng điều tra; đồng thời đánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2016.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Vinh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung Ương cho biết, trong 5 năm 2011-2016, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng.

Sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư và triển khai quyết liệt, hệ thống cung cấp điện đã vươn tới tất cả các xã và hầu hết các thôn. Năm 2011, cả nước còn 17 xã chưa có điện, nhưng đến 01.7.2016 toàn bộ các xã này đã có điện phục vụ sản xuất và đời sống. Tỷ lệ xã có điện tăng từ 99,8% năm 2011 lên 100% năm 2016. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa điện tới tất cả các thôn.

img

Công ty Điện lực Hà Giang kéo điện về nông thôn. Ảnh: Báo Hà Giang

Cũng tại buổi họp báo, ông Vinh nhấn mạnh đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Đồng thời chỉ ra những hạn chế cũng như bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn về kết cấu hạ tầng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch, chất lượng lao động, kết quả xây dựng nông thôn mới cũng như nhấn mạnh về đời sống một bộ phận dân cư nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là khu vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu và nội dung được giao trong Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31.7.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tin thu thập được đã phản ánh thực trạng và động thái kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm 2011-2016 với những thành tựu cơ bản.

Một là, kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng; Hai là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; Ba là, an sinh xã hội được bảo đảm, có những mặt được cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn.

Những hạn chế nêu trên đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức còn có thuận lợi và cơ hội, đặc biệt là kinh nghiệm đã tích lũy được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem