Chỉ đạo mới nhất của thủ tướng để hỗ trợ học trực tuyến
Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ việc học trực tuyến
PVCT
Thứ ba, ngày 07/09/2021 13:51 PM (GMT+7)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”.
Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình "sóng và máy tính cho em", hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.
Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
Vào chiều tối qua (6/9), tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Việc dạy và học trong thời gian các địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly phải khai thác các phương tiện khác nhau, trong đó có tận dụng học liệu điện tử, dạy học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, dạy từ xa, theo phương châm là dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức dạy tốt, tận dụng mọi điều kiện, cơ hội, nơi nào có điều kiện học trực tiếp thì nhà trường tổ chức học trực tiếp, nơi không có điều kiện thì học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện nay, học trực tuyến có nhiều khó khăn, đặc biệt khi tổ chức các lớp học ảo mà có tương tác thời gian thực giữa giáo viên và học sinh, giảng viên với sinh viên.
Nhược điểm của cách học này là tổ chức khó khăn, thiếu thiết bị và dung lượng đường truyền lớn."Với 20 triệu học sinh, sinh viên, nếu chỉ 10% tham gia học cùng lúc, thì 2 triệu tương tác với thầy cô qua mạng thì đường truyền khó đảm bảo được", Thứ trưởng Sơn nói.
Vẫn theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT cũng xây phương án hướng dẫn tận dụng các bài giảng điện tử, bài giảng này có thể tải trên mạng, Bộ đã chuẩn bị kho học liệu lớn trên cổng thông tin điện tử, kết nối trên Youtube… Lớp 1 có video bài học cho môn tiếng Việt, tiếng Anh khá đầy đủ. Những video này cũng được phát trên truyền hình.
Với những học liệu đó, những nơi không có điều kiện thì thầy cô gửi cho học sinh qua email, zalo, video để học tại nhà.
Những bài học, chương trình được phát đi phát lại trên truyền hình, đài truyền hình địa phương có thể tải về để phát. Nơi không có điều kiện nữa thì Bộ hướng dẫn các nhà trường hướng dẫn các em học từ xa. Tranh thủ thời gian dịch bệnh để các em được hỗ trợ học tập tốt nhất. Khi tình hình dịch giảm bớt, có đủ điều kiện thì giáo viên và học sinh sẽ đến lớp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.