Lăn kim vốn dĩ là tác động tới từng tế bào da để kích thích khả năng tự làm lành, đàn hồi và chữa trị các vấn đề về da nhưng sau khi thực hiện, làn da thậm chí còn hư tổn nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với PV Dân Việt, thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội da liễu Việt Nam cho biết, ngày 5/7 vừa qua tiếp nhận 1 trường hợp phụ nữ 40 tuổi, sống ở Thanh Trì, Hà Nội đến thăm khám trong tình trạng xuất hiện các tổn thương mụn viêm, mụn mủ, phù nề và chảy dịch nhiều.
Theo chia sẻ của bệnh nhân , trước đó 2 tuần chị này có đến một spa ở quận Long Biên lăn kim RPR với chi phí gần 50 triệu đồng/liệu trình. Sau lăn kim 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, sau mỗi lần lăn kim bệnh nhân được bôi dung dịch cảm giác bỏng rát (được nhân viên cơ sở làm đẹp động viên càng bong tróc càng tốt, nên bệnh nhân cố gắng bôi thuốc), da mặt bắt đầu nổi nhiều mụn mủ rải rác khắp mặt và ngày càng nhiều hơn, lan rộng hơn. Do hoảng sợ chị tìm lại spa để hỏi về tình trạng hiện tại thì được nhân viên ở đây trả lời là "bình thường" rồi cho về.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành nhận định bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn da- biến chứng do lăn kim và được bác sĩ Tiến Thành chỉ định điều trị kháng sinh, kháng viêm, thuốc bôi, rửa ngoài da.
Bác sĩ Tiến Thành cho biết thêm, lăn kim là phương pháp điều trị có thể giúp trẻ hóa làn da, cải thiện nếp nhăn,lỗ chân lông to... nhờ vào cơ chế tạo vết thương "giả". Đồng thời, lăn kim cung là kênh dẫn thuốc, giúp các thuốc bôi điều trị hấp thu qua da tốt hơn, từ đó cho hiệu quả điều trị cao hơn.
"Việc lăn kim không hề đơn giản, cần đặc biệt chú ý đến kỹ thuật lăn kim. Người thực hiện thủ thuật này phải đánh giá, loại trừ các bệnh lý của da, mức độ thương tổn da, điều kiện thực hiện kỹ thuật đối với từng bệnh nhân cụ thể lựa chọn kim lăn phù hợp, không phải trường hợp nào cũng lăn kim giống nhau. Do đó, cần thực hiện ở các cơ sở y tế được cấp phép. Rất nhiều bạn được tư vấn tự mua kim, tự soi gương để lăn kim dẫn đến rất nhiều biến chứng: nhiễm trùng, tăng sắc tố…việc điều trị phục hồi da sẽ rất vất vả…", bác sĩ Thành chia sẻ.
Theo thống kế, 1 tháng bác sĩ Thành tiếp nhận trung bình từ 10-15 ca biến chứng sau các thủ thuật thẩm mỹ: lăn kim, RPR, laser trị nám, peel da…. Bệnh nhân có độ tuổi từ 20 - 40, tình trạng da chung của mọi người là ngứa nổi mẩn sưng đỏ, loang lổ nám, tăng sắc tố, bùng phát trứng cá, viêm da bội nhiễm, viêm da mủ… rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da.
"Hiện nay trên facebook, mạng xã hội và các cơ sở làm đẹp đang quảng cáo nhan nhản phương pháp lăn kim làm đẹp trị nám da, mụn trứng cá… khiến nhiều người vào những hội nhóm để nhận lời khuyên đi lăn kim hoặc tự mua kim về tự lăn…, đến khi xảy ra biến chứng mới gặp các bác sĩ chuyên khoa để xử lý.
"Chúng tôi cảnh báo những biến chứng này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề, thậm chí kéo dài suốt cuộc đời của người bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống. Ví dụ như để lại sẹo lõm, sẹo rỗ dúm dó trên mặt thì dù công nghệ cao tới cỡ nào, bác sĩ giỏi đến đâu cũng không thể phục hồi làn da sạch sẹo mịn màng không tì vết được, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Chính vì vậy, ThS.BS CKII Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm đẹp bằng bất kỳ phương pháp nào, trong đó có lăn kim. Người dân nên đến các cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa da liễu để thực hiện tránh tai biến đáng tiếc xảy ra khiến "tiền mất tật mang".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.