Chỉ kinh doanh phồng tôm, hai nhãn hàng thực phẩm Sa Giang và Bích Chi lãi 29-35 tỷ đồng/quý, hé lộ chia cổ tức lớn

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 13/08/2024 11:00 AM (GMT+7)
Hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bánh phồng tôm trong nước là Thực phẩm Bích Chi và Xuất nhập khẩu Sa Giang đều có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II.
Bình luận 0

Doanh nghiệp lãi tiền tỷ nhờ bán phồng tôm 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, CTCP Thực phẩm Bích Chi (HNX: BCF) ghi nhận doanh thu đạt 194 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào ổn định, biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 22% lên 28%.

Trong kỳ, cả 3 loại chi phí chính của Bích Chi là tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng cao. Tuy nhiên, việc doanh thu tài chính và thu nhập khác tăng lên, chủ yếu nhờ lãi từ chênh lệch tỷ giá, giúp công ty giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí.

Sau khi hạch toán các khoản thu, chi, Thực phẩm Bích Chi báo lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Thực phẩm Bích Chi tăng 33% lên gần 365 tỷ đồng trong khi lãi trước và sau thuế tăng vọt 82% lên 67 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.

Được thành lập vào năm 1966, trải qua những năm tháng dựng xây, phát triển và không ngừng đổi mới, Công ty CP Thực phẩm Bích Chi đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình, trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam. 

Những dòng sản phẩm chủ yếu của Thực phẩm Bích Chi là bột dinh dưỡng, bánh phồng tôm, phở - hủ tiếu – miến – bánh tráng và các sản phẩm bún cháo ăn liền...

Năm 2013, Bích Chi đã xây thêm một máy tráng bánh tráng, mở rộng thêm nhà xưởng để nâng công suất sản xuất bánh phồng tôm; đồng thời mở rộng xưởng làm bún gạo, phở để đủ cung ứng nhu cầu thị trường.

Ngày 26/9/2024, CTCP Thực phẩm Bích Chi sẽ trả cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền, 800 đồng/CP, ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/8/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 15/8/2024.

Dẫn đầu thị trường bánh phồng tôm, Sa Giang và Bích Chi kinh doanh khởi sắc, lãi tiền tỷ - Ảnh 1.

Hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bánh phồng tôm trong nước là Thực phẩm Bích Chi và Xuất nhập khẩu Sa Giang đều có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II.

Một doanh nghiệp khác cùng ngành là CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II cao đột biến.

Công ty này chứng kiến doanh thu thuần tăng 73% lên 189 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 218% lên 35 tỷ đồng. Đây đều là các chỉ tiêu kinh doanh cao nhất từ trước đến nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sa Giang đạt 351 tỷ đồng, tăng 77% trong khi lãi sau thuế tăng gấp 4 lần lên 63 tỷ đồng.

Sản lượng bánh phồng của Sa Giang đến nay đã vượt 9.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia.

Năm nay Sa Giang đặt kế hoạch cao kỷ lục là thu 800 tỷ đồng (tăng 76%) và lãi ròng 80 tỷ đồng (tăng 56%). Sau nửa năm kinh doanh, công ty đã hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận.

Dẫn đầu thị trường bánh phồng tôm, Sa Giang và Bích Chi kinh doanh khởi sắc, lãi tiền tỷ - Ảnh 2.

Quý II, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 73% lên 189 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 218% lên 35 tỷ đồng. Đây đều là các chỉ tiêu kinh doanh cao nhất từ trước đến nay.

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang hoạt động với mục tiêu sản xuất và cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trở thành doanh nghiệp chế biến thực phẩm đứng trong Top 10 Công ty chế biến thực phẩm tại Việt Nam. 

Sa Giang được thành lập vào năm 1960 tại Sa Đéc, Đồng Tháp và hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bánh phồng tôm. Ngoài phân phối cho thị trường nội địa, công ty còn mở rộng mạng lưới kinh doanh tại thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ.

Sa Giang chuyển đổi mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần vào 2004, sau đó giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) là công ty mẹ của Sa Giang khi sở hữu hơn 76,72% vốn từ 2021. 

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, về kế hoạch đầu tư, năm 2024, Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư 930 tỷ đồng. Trong đó, Vĩnh Hoàn sẽ đầu tư một phần số vốn trên để mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất của nhà máy Sa Giang.

Bích Chi và Sa Giang là những doanh nghiệp đầu ngành của thị trường bánh phồng tôm trong nước cũng như xuất khẩu, đều có cơ sở sản xuất chính ở Đồng Tháp. Sản phẩm chủ lực bên cạnh phồng tôm còn có các sản phẩm chế biến khác từ tinh bột như phở, cháo, nui, bánh tráng, bánh kẹo, bột dinh dưỡng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem