Chỉ số niềm tin

Thứ năm, ngày 11/11/2010 16:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thị trường vàng hôm 9-11 tăng, giảm không khác 2 chiều của chiếc kim la bàn. Tại sao giá vàng sốt đến “điên loạn” dù vàng hoàn toàn không phải là một phương tiện thanh toán, hoàn toàn không phải mặt hàng chiến lược như dầu lửa, hay lương thực?
Bình luận 0

Có nhiều cách lý giải, rằng là tại giá vàng quốc tế cùng tăng theo chiều thẳng đứng. Là tại Mỹ tung ra thị trường 600 tỷ USD. Là do Thông tư 22, với ý tưởng chuyển đổi vàng thành tiền tái đầu tư cho nền kinh tế, khiến cho nguồn cung vàng trên thị trường bị khan hiếm nên đẩy giá leo cao...

Ngay trong cơn sốt vàng, có những thời điểm giá vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới tới 450 nghìn đồng/lượng nhưng người mua vẫn kìn kìn kéo đến mua vàng theo kiểu tranh cướp mớ rau sau lũ lụt.

Một số nhà quản lý đã lý giải nguyên nhân rằng có yếu tố sốt ảo, có câu chuyện tâm lý bầy đàn, có lý do cất trữ đặc trưng của người Việt. Tuy nhiên, việc chỉ một ngày trước cơn sốt, Chính phủ chính thức thừa nhận con số 1.000 tấn vàng đang nằm dưới đáy hòm của dân cho thấy lòng tin vào đồng tiền đang lung lay dữ dội hơn bao giờ hết, bất chấp rằng giá vàng ở Việt Nam đang bị đánh giá quá cao so với giá trị, bất chấp yếu tố "giá trị sử dụng" của vàng rất thấp.

Một chuyện tưởng như đùa là người dân lo lắng cho đồng tiền của mình đến mức... sợ cả việc tăng lương bởi "quy luật Việt Nam" là lương chưa tăng thì giá đã tăng. Thế thì còn gì là giá trị của việc tăng lương, cũng như của đồng tiền.

Cho đến trước cơn sốt vàng, VNĐ đã phá giá 5% trong 2 lần, tính đến cuối tháng 8. Trong 3 năm qua, mức độ lạm phát cũng diễn biến hết sức bất thường. Năm 2008, lạm phát lên đến 22,9%; năm 2009 là 6,8% và chỉ 10 tháng năm nay đã tăng 8,75% (từ giờ đến cuối năm, dự báo lạm phát sẽ ít nhất thêm 1% nữa). Như vậy là chỉ trong chưa đầy 3 năm, VNĐ thực ra đã mất tới 38,45% giá trị.

Đứng trước sự trồi sụt giá trị VNĐ một cách không lường được như vậy, liệu người dân có nên cất giữ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình bằng vàng? Ngân hàng Nhà nước không phải là không biết, chính Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng: Để ổn định lạm phát, cần một giải pháp tổng thể, hài hòa cả chính sách tài khóa, đầu tư, chứ không chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tỷ giá.

Vàng trong dân còn 1.000 tấn và đó là những tấn "vàng chết" khi chúng không được đưa vào lưu thông. Sau 3 lần cấp quota cho nhập vàng, vẫn còn khoảng 10 tấn. Cơn sốt không bắt đầu từ sự thiếu hụt, mà có cả yếu tố đầu cơ, làm giá...

Việc "cho nhập" vì thế chỉ cắt sốt chứ không chữa được bệnh "vàng chết", không phải là giải pháp cho những vấn đề, cả nổi cộm lẫn khiếm khuyết, của nền kinh tế. Bởi khi các quyết sách tài chính chưa đủ mang lại niềm tin, thì Thông tư 22 hay bao nhiêu thông tư nữa, cũng chưa phải là tín hiệu, chưa đủ sức khiến dân lục hòm mang vàng tới ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem