Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công bố thông tin về Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 đến 2020.
Chi tiết dự án đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3
Tuyến đường được xây dựng với chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống PCCC, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm nổi trong chỉ giới thực hiên dự án.
Tuyến đường xây dựng nhằm kết nối đồng bộ, liên thông với mạng lưới đường trong khu vực, kết nối các tuyến đường Vành đai 2; 2,5; 3..., góp phần giảm tải cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Giải Phóng, đường Vành đai 2, Vành đai 3… tạo động lực phát triển Kinh tế - Xã hội cho các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 1.412 tỷ đồng theo phương thức thực hiện dự án theo hình thức BT. Trong đó, chi phí xây dựng: 274.823 triệu đồng; chi phí GPMB: 967.627 triệu đồng; chi phí QLDA: 5.202 triệu đồng; chi phí tư vấn: 14.295 triệu đồng; Chi phí khác: 22.170 triệu đồng…
Dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT sẽ nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8ha thuộc Quy hoạch phân khu S4. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, quy mô và diện tích cụ thể của quỹ đất thanh toán dự án BT được xác định đảm bảo phù hợp với Quy hoạch và các quy định đã ban hành trước đó.
Chủ đầu tư là ai?
Ngày 17/6, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND TP. Hà Nội cũng trao quyết định chủ trương đầu tư cho dự án này.
Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 theo hợp đồng BT do Liên danh Công ty CP Phát triển Nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư, với kinh phí là 1.404 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty CP Phát triển Nhân lực LOD, Công ty CP phát triển nguồn nhân lực LOD - LOD Corp (trước đây là Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài - LOD) ra đời năm 1992. Nhiều năm qua, Công ty luôn duy trì được vị trí là một trong số các công ty hàng đầu về xuất khẩu lao động.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gồm nhiều lĩnh vực: Xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hoá; Đào tạo Lao động Xuất khẩu, Công nhân Kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác; Dịch vụ du lịch nội địa và lữ hành quốc tế và các dịch vụ thương mại; Kinh doanh nhà, vật tư, vật liệu xây dựng phương tiện và thiết bị vận tải; Kinh doanh vận tải hành khách; Kinh doanh bất động sản; Xây dựng công trình giao thông công nghiệp và dân dụng.
Riêng, thông tin về công ty Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt lại rất hạn chế. Theo tìm kiếm, công ty này có trụ sở tại tầng 11, Tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, Số 239 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Người đại diện pháp luật là Vũ Hùng Lân và ngày cấp giấy phép là 03.10.2008.
Liên quan đến các dự án BT, hiện nổi lên tình trạng đổi đất vàng cho doanh nghiệp (làm khu đô thị, dự án nhà ở…) sau khi doanh nghiệp thực hiện cải tạo, đường, sông hồ… Các dự án này đều sử dụng quỹ đất rộng đến hàng chục ha. Các cơ quan chức năng của thành phố đã yêu cầu rà soát, thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án BT tại Hà Nội.
Cũng theo kết quả Kiểm toán Nhà nước mới đây, trong số 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017 có nhiều dự án giao cho nhà đầu tư (NĐT) thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán... nên có thể không đảm bảo tính khách quan, xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án. Trong đó, không ít dự án BT bị điểm tên vướng mắc cùng lúc nhiều sai phạm khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.