Chi trả cho chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giảm chi phí quỹ BHYT

Tuấn Kiệt Thứ sáu, ngày 16/10/2020 15:54 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương – Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, nếu BHYT chi trả cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, sàng lọc sớm bệnh tật thì sẽ hạn chế người ốm, giảm tải bệnh viện, giảm chi phí khám chữa bệnh...
Bình luận 0

Đây là ý kiến của PGS Phương tại Hội thảo khoa học quốc tế: "Pháp luật Bảo hiểm y tế của Đức và Việt Nam- Tiếp cận từ góc độ so sánh và những đề xuất cho Việt Nam" do Trường ĐH Luật Hà Nội phối hợp với Viện Friedich Ebert (FES) của Đức tại Việt Nam tổ chức ngày 16/10. 

BHYT tăng trưởng mạnh mẽ

TS Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Luật Hà Nội nhận định, ở Việt Nam BHYT là bộ phận cấu thành của an sinh xã hội (ASXH). BHYT là một chính sách do nhà nước tổ chức nhằm chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do đó, đối tượng tham gia BHYT rất rộng bao gồm tất cả các thành viên trong xã hội, không có tiêu chí nào giới hạn đối tượng tham gia BHYT; BHYT nhằm chăm sóc sức khỏe cho người tham gia BHYT khi họ bị ốm đau bằng việc thanh toán các chi phí y tế họ sử dụng; 

Chi trả cho chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giảm chi phí quỹ BHYT - Ảnh 1.

Số lượt khám, điều trị BHYT tăng vọt trong vài năm qua.

Người tham gia BHYT phải đóng phí BHYT nhưng mức hưởng không phụ thuộc vào mức đóng, thời gian đóng mà phụ thuộc vào nhu cầu của người bệnh và khả năng cung ứng dịch vụ y tế của cơ sở khám chữa bệnh; Quan hệ BHYT là quan hệ 3 bên: bên thực hiện BHYT (cơ quan BHXH), bên tham gia (người dân) và cung ứng dịch vụ y tế (cơ sở y tế)…

TS Huy nhận định, tốc độ bao phủ BHYT tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Tính đến năm 2019, sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, BHYT đã bao phủ 90% dân số (tương đương hơn 85,6 triệu người dân), trung bình mỗi năm tăng 48%, trong đó các đối tượng yếu thế hầu như đều có BHYT. Với tốc độ tăng trưởng này, mục tiêu 95% dân số tham gia BHYT đến năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Đồng thời, chế độ hưởng, quyền lợi BHYT liên tục mở rộng, giúp người dân tiếp cận được nhiều dịch vụ y tế. Số lượt người khám tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 28,1 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT thì năm 2019 là trên 189 triệu lượt khám…

Để thuận tiên cho người dân tham gia, hưởng BHYT, BHXH Việt Nam đã thực hiện công tác cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Riêng thủ tục hành chính trong giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT đã rút gọn từ 263 thủ tục (năm 2012) xuống còn 27 thủ tục (năm 2019); Trên 90% đơn vị doanh nghiệp thực hiện kê khai, đóng BHXH qua mạng Internet; Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.

Tuy nhiên, TS Huy cũng cho rằng, đối tượng tham gia BHYT được quy định theo nhóm đối tượng nhằm bao quát hết người dân. Song qua quá trình rà soát cho thấy, một số đối tượng vẫn bị bỏ sót, chưa tiếp cận được với BHYT như lao động tự do, người buôn bán nhỏ di cư từ nông thôn lên thành phố, người dân tộc thiểu số du canh du cư, người cao tuổi, người bệnh đặc biệt, nhóm nhập cư vùng biên giới…

"Quyền lợi hưởng BHYT hiện nay cũng tập trung chủ yếu vào thanh toán các chi phí khám chữa bệnh khi người tham gia bị ốm mà chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu với các chi phí dự phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán… Thiết kế chế độ hưởng còn chưa khoa học, ít gói quyền lợi làm giảm tính hấp dẫn của BHYT. Định hưởng phát triển BHYT thời gian tới cần đa dạng hóa các gói dịch vụ y tế do BHYT cung cấp từ cơ bản đến nâng cao để người tham gia BHYT được lựa chọn theo khả năng", TS Huy phân tích.

Ngoài ra, PGS Huy cũng cho rằng, vấn đề cân đối Quỹ BHYT cũng cần được quan tâm khi gần đây BHXH Việt Nam phải sử dụng quỹ dự phòng để chi trả BHYT. Nguyên nhân là nhiều năm nay mức đóng BHYT vẫn duy trì ở mức 4,5% lương cơ bản, trong khi các chi phí y tế không ngừng gia tăng: mở rộng mức hưởng, phạm vi hưởng, thông tuyến khám chữa bệnh, tăng viện phí… Vì vậy, thời gian tới cần nghiên cứu tăng mức đóng BHYT, kết hợp với nghiên cứu sử dụng quỹ BHYT một cách hiệu quả hơn.

Cần linh hoạt trong chính sách BHYT

So sánh với chính sách BHYT tại Đức, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương – Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, BHYT tại ĐỨc có 2 hình thức tham gia bắt buộc và tự nguyện. BHYT bắt buộc bao phủ gần hết các đối tượng dân cư, còn BHYT tự nguyện là dành cho những người dân có thu nhập trên ngưỡng quy định (thu nhập cao). 

Chi trả cho chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giảm chi phí quỹ BHYT - Ảnh 2.

BHYT chi trả cho khám chữa bệnh ban đầu sẽ khuyến khích người dân đi khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.

Khi đó, người thu nhập cao có thể lựa chọn việc tham gia BHYT theo luật định hoặc một loại hình BHYT tư nhân bất kỳ (BHYT thương mại).  Năm 2020, Đức đã thực hiện xong lộ trình BHYT toàn dân với 88% dân số tham gia BHYT công, còn 20% còn lại tham gia BHYT tư. Điều này khác với BHYT ở Việt Nam chỉ có 1 loại hình BHYT. BHYT tự nguyện ở Việt Nam là dành cho người không thuộc các đối tượng bắt buộc (công nhân viên chức có lương).

Ở Đức cũng đa dạng hóa Quỹ BHYT với khoảng 260 Quỹ. Các Quỹ được thành lập theo tiêu chí nghề nghiệp xã hội, do các cơ quan tự quản theo luật công: Quỹ BHYT địa phương, Quỹ BHYT xí nghiệp, Quỹ BHYT ngành, Quỹ BHYT Nông nghiệp…  Ở Việt Nam chỉ có 1 Quỹ BHYT duy nhất do Nhà nước quản lý.

Mức đóng BHYT của Đức là 15,5% lương cơ bản, so với mức đóng 4,5% lương ở Việt Nam (Luật BHYT quy định mức đóng tối đa cũng chỉ 6% lương cơ bản) cũng rất chênh lệch.

Theo PGS Phương, để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả, có chất lượng mục tiêu BHYT toàn dân cũng như tránh tạo gánh nặng cho nền kinh tế, Việt Nam cần phải có sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc xác định lộ trình BHYT toàn dân cho phù hợp.

"Nếu BHYT chi trả cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, sàng lọc sớm bệnh tật thì sẽ khuyến khích người dân đi khám định kỳ, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện bệnh sớm như vậy sẽ giảm ốm đau, giảm tải bệnh viện, giảm chi phí khám chữa bệnh, việc điều trị cũng hiệu quả hơn với mức chi phí rẻ hơn nếu bệnh được phát hiện sớm… Đồng thời cũng cần bổ sung thêm gói BHYT dành cho các đối tượng có thu nhập cao để người dân lựa chọn…", PGS Phương kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem