Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Nam: Chú trọng đôn đốc thu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chi trả
Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Nam: Chú trọng đôn đốc thu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chi trả
Trương Hồng
Thứ tư, ngày 01/09/2021 16:10 PM (GMT+7)
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam (Quỹ) xác định công tác thu tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và kiểm tra, giám sát chi trả tiền DVMTR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thực hiện trong những năm qua và thời gian gần đây.
Từ nhiều năm qua, công tác đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR nộp tiền DVMTR (27 đơn vị sản xuất thủy điện, 12 đơn vị sản xuất nước sạch, 40 đơn vị nước công nghiệp); kiểm tra - giám sát việc chi trả, sử dụng tiền DVMTR tại 11 đơn vị chủ rừng, UBND 9 xã được giao trách nhiệm quản lý rừng luôn được Quỹ xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt công tác này ngay từ đầu năm 2021, Phòng Kiểm tra - Giám sát đã tham mưu cho Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 03/KH-QBV&PTR ngày 8/1/2021 về kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chính sách chi trả DVMTR năm 2021.
"Về công tác ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR, hầu hết các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất kinh doanh nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước (nguồn nước mặt và nước ngầm) đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương).
Đối với thu tiền ủy thác DVMTR trong 6 tháng đầu năm 2021 tổng số tiền DVMTR Quỹ tỉnh đã thu 101.396 triệu đồng/117.559 triệu đồng theo kế hoạch, đạt 86,3% kế hoạch thu cả năm 2021. Nguyên nhân thu tiền DVMTR đạt cao là do các tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 lượng mưa nhiều, thuận lợi cho việc sản xuất thuỷ điện đạt sản lượng cao.
Để công tác thu tiền DVMTR từ các đơn vị sử dụng DVMTR đạt kết quả cao, Quỹ thường xuyên theo dõi, đôn đốc nên hầu hết các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện việc kê khai, nộp tiền về Quỹ kịp thời và đúng quy định; đối với một số ít đơn vị chậm nộp, Quỹ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để thực hiện xử phạt theo quy định tại Điều 09, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ nên đạt được kết quả tốt" - ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, tính đến nay, tổng số tiền DVMTR Quỹ đã chi 2 đợt tạm ứng cho 11 đơn vị chủ rừng và UBND 9 xã được giao trách nhiệm quản lý rừng (từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 7/2021) là 82.440 triệu đồng/100.971 triệu đồng, đạt 82% kế hoạch.
Cũng theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, ngoài việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác thu chi tiền trồng rừng thay thế cũng là nhiệm vụ quan trọng của Quỹ, số tiền thu từ đầu năm đến 30/6/2021 là 6.821 triệu đồng. Tổng số tiền thu nộp lũy kế đã nộp về Quỹ từ năm 2013 đến nay là 158.998 triệu đồng. Trong đó, đã giải ngân tổng số tiền chi lũy kế từ năm 2013 đến nay là 112.395 triệu đồng.
Giám sát chặt chẽ việc chi trả DVMTR và cấp cây giống lâm nghiệp trồng rừng, trồng phân tán
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết thêm, trong việc thực hiện các chính sách chi trả DVMTR công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện thành công chính sách chi trả DVMTR trong thời gian qua.
Theo kế hoạch trong năm 2021 Quỹ tỉnh sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát bao gồm: Kiểm tra định kỳ 11 đơn vị chủ rừng và 9 UBND xã có thực hiện chi trả DVMTR (3 đợt/năm); thời gian thực hiện các đợt kiểm tra bắt đầu từ tháng 3/2021 và kết thúc vào tháng 12/2021. Đến nay, đã kiểm tra xong đợt 1 tại 11 đơn vị chủ rừng. Giám sát trực tiếp chi trả tiền tại 5 chủ rừng/11 chủ rừng có diện tích giao khoán cho nhóm hộ, cộng đồng (mỗi đơn vị 2 đợt/năm); thời gian thực hiện các đợt giám sát bắt đầu từ tháng 3/2021 và kết thúc vào tháng 12/2021. Đến nay, đã giám sát xong đợt 1/2021 tại 2/5 đơn vị.
Đối với công tác kiểm tra cấp cây giống lâm nghiệp trồng rừng, trồng phân tán năm 2020 cho hộ gia đình trồng rừng, trồng phân tán theo Quyết định số 3099/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của UBND tỉnh (từ nguồn kinh phí chưa có đối tượng chi được Thủ tướng Chính phủ cho phép), đến thời điểm này Quỹ tỉnh đã thực hiện kiểm tra xong 6/6 đơn vị; số lượng các loài cây đã cấp đến các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, gồm: 115.708 cây dổi, 257.000 cây keo tai tượng Úc và 35.000 cây gáo vàng; nhìn chung cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Cụ thể, trong thời gian qua các chủ rừng và UBND xã có thực hiện chi trả DVMTR đã thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng và chi trả tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo đúng quy định, kịp thời, không có trường hợp sai sót xảy ra.
"Mặc dù, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài nên một số công việc không triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; tuy nhiên Ban giám đốc cùng tập thể viên chức Quỹ đã có nhiều cố gắng để thực hiện hoàn thành công việc được giao, đạt hiệu quả" - ông Đức cho hay.
Cụ thể, qua 6 tháng đầu năm, đơn vị đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ chính trị được giao theo tiến độ, trong đó công tác thu tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế đạt kết quả cao; việc giải ngân tiền chi trả DVMTR, tiền trồng rừng thay thế kịp thời cho các chủ rừng, các chủ đầu tư và UBND các xã; các nhiệm vụ chuyên môn được chú trọng thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trên báo, đài...
Cũng theo ông Đức, về công tác quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng trong thời gian qua luôn được các đơn vị chú trọng, năm nay tại các huyện miền núi cao của tỉnh, hạt ươi lại được mùa cũng là một món đặc sản, có giá trị cao trên thị trường, mang nguồn thu nhập cao cho người dân thu lượm. Để ngăn tình trạng người dân vào rừng triệt hạ, tỉa cành để tận thu ươi, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3757/UBND-KTN yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm soát hoạt động người dân ra vào rừng thu hoạch ươi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh các chủ rừng có diện tích giao khoán bảo vệ rừng có cây Uơi nhiều như các Ban quản lý rừng phòng hộ: Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My… đã phân công cán bộ phối hợp lực lượng kiểm lâm, UBND các xã… "ăn rừng, ngủ núi" để vận động nhân dân không chặt hạ cây ươi, giữ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường nên toàn bộ diện tích rừng giao khoán bảo vệ rừng thời gian qua không bị chặt phá, đốt hạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.