Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở Tây Nguyên: “Đếm đầu phát gạo”

Thứ sáu, ngày 03/05/2013 10:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tây Nguyên có diện tích rừng lớn nhất cả nước, có nhiều nhà máy thủy điện, vì thế có hàng trăm nghìn ha rừng thuộc diện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tuy nhiên, việc chi trả đang có nhiều điểm bất cập...
Bình luận 0

Càng để phá rừng, càng được... nhận nhiều tiền

img
Gỗ bị lâm tặc khai thác trộm từ các lâm phần của các công ty lâm nghiệp ở huyện Kông Chro

Dù vẫn đang chờ quyết định chính thức từ UBND tỉnh, nhưng các chủ rừng ở Gia Lai đang ì xèo việc phân bổ “chiếc bánh” tiền DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai (BVPTR). Theo thông tin từ Quỹ BVPTR, hiện có 37 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp và các đơn vị nhà nước được giao bảo vệ rừng, 108 xã, 7 cộng đồng dân cư, hơn 2.000 hộ dân và được chi trả tiền DVMTR; đã có 28 chủ rừng được tạm ứng tổng số tiền 47,3 tỷ đồng trong gần 70 tỷ đồng thu được.

Đơn vị nhận được ít nhất là Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập (K'Bang) với số tiền chỉ hơn 10 triệu đồng, nhận nhiều nhất phải kể đến các công ty lâm nghiệp: Ia Pa gần 2 tỷ đồng, Kông Hdé (Kông Chro) hơn 2 tỷ đồng và Đăk Roong (K'Bang) hơn 2,1 tỷ đồng...

Ông Võ Đình Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm K’Bang cho rằng: “Việc trả tiền DVMTR cào bằng sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa những chủ rừng, vô hình trung tạo ra sự ỉ lại, vì giữ rừng tốt hay không tốt cũng nhận được một mức tiền giống nhau”.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện K’Bang) nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc Nhà nước chi trả tiền DVMTR. Có được khoản kinh phí này, việc hợp tác với người dân bảo vệ rừng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc bổ đầu diện tích để trả tiền DVMTR là không công bằng.

Thực tế, ở một số công ty lâm nghiệp, diện tích rừng chỉ còn trên bản đồ, nhưng vẫn được trả tiền. Tệ hơn, chủ rừng nào để xảy ra phá rừng nhiều, thì lại... được nhiều tiền. “Nên phân định rạch ròi mức chi trả giữa rừng trồng với rừng tự nhiên, rừng chất lượng tốt, với rừng xấu” - ông Hùng phân tích thêm. Tương tự, ông Trần Trọng Tấn - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông Chro bày tỏ: “Lâm phần của tôi phần lớn là rừng giàu, rừng sản xuất.

Từ nhiều năm nay, chúng tôi chưa để xảy ra vụ khai thác lâm sản trái phép nào, thế nhưng công ty tôi lại chỉ được trả có hơn 900 triệu đồng tiền DVMTR. Trong khi 2 công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện “nổi danh” với những vụ phá rừng nóng, thì lại được nhận tiền gấp hơn 2 lần chúng tôi”.

Chỉ là tạm ứng?

Trên địa bàn Tây Nguyên, có những công ty lâm nghiệp “bất ngờ” vì được tiền như Kông Hdé, Ia Pa (huyện Kông Chro). Bất ngờ bởi theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện này thì, diện tích rừng của họ hiện nay phần lớn đã hết trữ lượng gỗ, chỉ còn đồi trọc và rừng khoọc. Ông Nguyễn Thanh Kim - Giám đốc Lâm trường Kon Hdé chỉ nói: “Họ cấp bao nhiêu, chúng tôi nhận bấy nhiêu”. Thậm chí, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ- đơn vị đã để xảy ra vụ cháy rừng hơn 250ha mới đây cũng được tạm ứng hơn 1 tỷ đồng. Ngay cả phần diện tích bị cháy rụi cũng được tính để cấp tiền (!?).

Trao đổi với NTNN, ông Võ Văn Hạnh - Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2012, Quỹ đã thu được gần 70 tỷ đồng, hiện đã chi 48 tỷ đồng và năm 2013 ước thu khoảng 67 tỷ đồng. Việc chi trả sẽ diễn ra theo từng quý. Giải thích về bất cập trong chi trả tiền DVMTR, ông Hạnh nói: “Chúng tôi chi trả theo diện tích rừng của các lưu vực sông được công bố bởi UBND tỉnh Gia Lai, thường là 5 năm một lần”. Ông Hạnh cũng khẳng định: “Chỉ khi nào có sự thay đổi về số liệu của tỉnh, chúng tôi mới điều chỉnh lại diện tích rừng đã thay đổi. Hiện chỉ mới tạm ứng để các đơn vị có kinh phí hoạt động trong năm 2013”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem