Năm 2004, chị Viên rời quê hương Thái Thụy (Thái Bình) lên Lai Châu lập nghiệp. Chị chọn vùng đất San Thàng (thị xã Lai Châu – nay là thành phố Lai Châu) làm nơi dừng chân. Trên mảnh đất rộng chừng 1.400m2 mà chị Viên mua lại của người dân địa phương, đã có sẵn 3 cái ao và một ít đất trồng rau.
Xã San Thàng là vựa rau xanh của thành phố Sơn La
Thời gian đầu lên Lai Châu, vợ chồng chị Viên làm đủ thứ nghề: Nuôi thả cá, nuôi vịt, thu mua đồng nát... để kiếm sống. Cách đây chừng 4 năm, chán cảnh rong ruổi khắp chốn với nghề đồng nát, chị Viên bàn với chồng lấp ao cá để chuyển sang trồng rau xanh các loại.
Sau khi lấp ao xong, vợ chồng chị Viên bắt tay vào làm đất, lên luống trồng rau xanh các loại. Chẳng bao lâu, một vườn rau rộng hơn 1.000m2, với đủ các loại: Cải canh, cải ngồng, dưa chuột... ngay cạnh nhà của chị Viên, đã hình thành.
Theo chị Viên, trồng rau cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa
Hai vợ chồng chị Viên ngày ngày ra vườn nhặt cỏ, chăm sóc, tưới tắm cho những luống rau. Ý thức trồng rau sạch ngay từ những ngày đầu, chị Viên chỉ dùng 2 loại phân để bón cho rau.
“Sau khi làm đất tơi xốp, lên luống, mỗi luống rộng hơn 1m, tôi mới trải phân gà trộn với trấu lên từng luống, rồi để một ngày, hôm sau mới gieo hạt. 15 ngày sau, khi hạt cải đã nảy mầm, ra từ 2 – 3 lá non, tôi tiếp tục cho “ăn” phân lần nữa. Lần này, tôi dùng phần Thái để bón cho những luống rau. Trước khi vãi phân Thái lên luống rau, tôi làm sạch cỏ. Nếu cây rau còi cọc, chậm phát triển, tôi hòa phân Thái với nước rồi đem tưới vào gốc, còn rau phát triển tươi tốt thì không cần bón thêm” – chị Viên chia sẻ.
Chị Viên chủ yếu cung cấp rau cho các trường học
Theo chị Viên, trồng rau không vất vả song lại bận rộn như “nuôi con mọn”. Phải cần cù, chịu khó thì trồng rau mới có ăn. Ngoài bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng thì phải thường xuyên tưới tắm, làm cỏ cho rau. Chị Viên lắp đặt hệ thống tưới tự động. Vào những ngày nắng nóng, chị tưới cho vườn rau 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều muộn.
“Ngoài cho “ăn” đủ dinh dưỡng, tôi thưởng xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rau. Khi phát hiện ra sâu bệnh, tôi liền mua thuốc trừ sâu sinh học phun luôn, chứ không để sâu bệnh lan ra diện rộng. Nhờ đó, vườn rau nhà tôi luôn sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng được các tiêu chí ngon và sạch” – chị Viên vui vẻ nói.
Từ khi trồng rau xanh, gia đình chị Viên vừa có rau ăn hàng ngày, lại vừa có thu nhập từ bán rau ra thị trường
Với hơn 1.000 m2 đất, chị Viên đánh thành từng luống và trồng nhiều loại rau khác nhau. Chị Viên trồng rau quanh năm và chủ yếu cung cấp rau cho các trường học trên địa bàn thành phố Lai Châu và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), thông qua một đại lý. Trong thời gian này, chị Viên chủ yếu trồng các loại rau: Cải canh, cải ngọt, cải ngồng. Đây là những loại rau ngắn ngày, từ khi gieo hạt đến lúc được thu hoạch chỉ hơn 40 ngày.
Mỗi ngày, chị Viên phải dậy từ rất sớm để cắt rau mang đi giao cho đại lý, để đại lý chuyển rau tới các trường học, đảm bảo rau luôn tươi ngon. Sau khi thu hoạch xong, chị Viên cho đất nghỉ từ 7 – 10 ngày để đất “hồi phục” sau đó mới trồng lứa rau tiếp theo.
Vườn rau nhà chị Viên luôn sinh trưởng, phát triển tốt nhờ được cho ăn đủ dinh dưỡng
Trong thời gian học sinh các trường nghỉ hè, chị Viên chuyển sang trồng loại rau dài ngày hơn như: Cải Sa Pa, dưa chuột, mướp đắng, bán ra thị trường. Bình quân mỗi ngày, chị Viên cung cấp cho các trường học gần 100 mớ rau cải, với giá 3.000 đồng/mớ, thu gần 300.000 đồng/ngày. Trừ chi phí, mỗi tháng chị Viên đút túi khoảng 7 triệu đồng tiền lãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.