Xuất phát từ tình hình thực tế là vùng đất ngập nước chuyên canh tôm hoặc lúa - tôm, nhu cầu cải tạo đất của nông dân rất lớn, nhưng các loại máy cày thông thường không thể hoạt động được nên nông dân phải cải tạo đồng đất bằng phương pháp thủ công, vừa tốn công sức, vừa mất thời gian.
Ông
Nguyễn Văn Rô (phải) với bản thiết kế chiếc “máy cày” vừa được tu chỉnh để dự thi “Sáng tạo khoa học - kỹ thuật” cấp quốc gia năm 2017.
Tự hàn khung bánh trục bằng vật liệu kim loại rẻ tiền.
Là nông dân nhưng lại có nghề tay trái là thợ cơ khí chuyên sửa chữa nhỏ ở vùng quê (không có bằng cấp), ông Nguyễn Văn Rô luôn ấp ủ suy nghĩ phải làm gì đó cho bản thân và bà con trong vùng đỡ vất vả. Thế là đầu năm 2013, ông bắt tay vào thiết kế và làm ra chiếc máy cày bằng các loại vật liệu rẻ tiền như máy cắt cỏ, máy nổ, phuy xăng đã qua sử dụng… tại xưởng cơ khí gia đình. Sau nhiều lần thất bại, ông không nản chí mà tiếp tục khắc phục và hoàn thiện dần. Đến cuối năm 2014, máy được chạy thử nghiệm và thành công ngoài mong đợi. Máy cày tự chế của ông vừa cày, vừa trục trên đất sình lầy, ngập nước mang lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con tín nhiệm và ủng hộ.
Chiếc máy nhẹ và dễ lắp ráp.
Chiếc máy được lắp lưỡi cày để cày trên đất khô - mềm với năng suất 1.000 m2/giờ. (Ảnh: Ông Huỳnh Ngọc Em, Khóm 8, Phường 7, TP. Cà Mau là khách hàng thứ 70 của ông Nguyễn Văn Rô).
Lắp bánh trục để trục dưới nước, độ sâu cạn tuỳ ý bằng cách điều chỉnh lượng nước trong thùng phuy của bánh trục.
Cuối tháng 3/2017, ông đã sản xuất và bán được 70 chiếc cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh với giá thành chỉ từ 12.000.000-20.000.000 đồng/chiếc, tuỳ chất liệu. Sản phẩm đoạt giải Ba tại cuộc thi “Sáng tạo khoa học - kỹ thuật” tỉnh Cà Mau năm 2016 và đang được ông tiếp tục hoàn thiện để làm hồ sơ dự thi cấp quốc gia.
Thanh Dũng (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.