"Chiến binh" nông dân khởi nghiệp cần trang bị loại “áo giáp" gì?

Nhóm P.V Thứ hai, ngày 18/09/2017 17:10 PM (GMT+7)
Người nông dân khởi nghiệp được ví như những “chiến binh” khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ là những nông dân truyền thống với nhiều năm kinh nghiệm mà còn trang bị cho mình “áo giáp” gồm: hiểu biết về pháp luật, khoa học công nghệ, thị trường.
Bình luận 0

img

Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp. Ảnh: Trần Quang

Ngày 18.9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ KHCN, các đơn vị liên quan với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức Hội nghị “Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp” với sự tham gia của các chuyên gia và 300 nông dân tiêu biểu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Hội NDVN Lại Xuân Môn đánh giá: Khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn. Vì đây là lĩnh vực đầy rủi ro cần đầu tư lâu dài. Nông dân muốn khởi nghiệp phải được hỗ trợ đầy đủ 5 yếu tố về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đi kèm. Những điều kiện này nông dân không thể làm được một mình mà cần sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc” – ông Môn cho hay.

Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng nhìn nhận, nông dân hiện nay đang chịu rất nhiều thiệt thòi. “Chỉ với trái thanh long, Việt nam xuất khẩu chỉ có giá trị 400USD/tấn. Nhưng khi qua Trung Quốc, sau khi được chiếu xạ, khử trùng, xuất sang nước khác lại có giá trị 3.500USD/tấn loại 1, loại 2 là 2.500USD, loại 3 là 1.500USD và loại 4 được họ để dùng trong nước. Toàn bộ giá trị gia tăng đều bị thương lái Trung Quốc hưởng hết. Trong khi người nông dân chúng ta chịu rất nhiều rủi ro mới sản xuất ra được sản phẩm” – ông Tùng ví dụ.

img

Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KHCN phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Quang

Ông Hoàng Trọng Thuỷ - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn cho rằng, những nông dân khởi nghiệp hiện nay như những chiến binh. Nhưng không phải làm nông nghiệp theo cách truyền thống nữa mà phải tích hợp rất nhiều, giống như phải trang bị những chiếc “áo giáp” gồm khoa học kĩ thuật, hiểu biết về pháp luật, thị trường.

“Rõ ràng những mô hình khởi nghiệp thành công đều khác nhau ở đẳng cấp sản phẩm. Như mô hình đông trùng hạ thảo, nuôi vịt trời, cấy ngọc trai khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm làm giàu từ nuôi gà, hay nuôi lợn. Vì câu chuyện thị trường là sống còn của sản phẩm. Khi đã đưa ra sản phẩm, thị trường như vậy cần có vai trò của khoa học công nghệ. Chính nông dân là những người làm chủ cuộc chơi đó. Sau đó gắn nó vào cái chuỗi mới có thể thành công được” – ông Thuỷ cho hay.

img

Lãnh đạo T.Ư Hội ND Việt Nam trao quà cho các chủ mô hình khởi nghiệp xuất sắc và khuyến khích tại Hội nghị. Ảnh: Trần Quang

Dẫn chứng điều này, anh Đào Huy Cường (Lai Châu) người đang khởi nghiệp với mô hình đông trùng hạ thảo cho hay: Tôi bắt đầu nuôi đông trùng hạ thảo từ tháng 7.2015 tới nay. Cấy đông trùng hạ thảo trên con sâu chít. Hiện, giá bán con tươi là 100.000/con nhưng cũng không có mà bán. Mô hình nuôi nấm này chưa từng được thực hiện ở địa phương. Ngoài sản xuất nấm đông trùng hạ thảo dạng tươi và khô, tôi đang nghiên cứu nấm này với rượu để thành một loại thuốc bổ quý. Tuy nhiên vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải là kinh phí đầu tư lớn.

img

Toàn cảnh Hội nghị Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp. Ảnh: Trần Quang

Cũng với sản phẩm quế, nhưng anh Triệu Phúc Lý (Lào Cai) lại chọn hướng sản xuất bằng cách gia tăng giá trị qua sản phẩm tinh dầu làm từ quế hữu cơ. Sản phẩm của anh được tiêu thụ rộng rãi và xuất khẩu sang Ấn Độ. “Nếu chỉ bán quế thô thì ở đâu cũng làm được. Giá trị thu được rất thấp, nhưng nếu gia công thêm đầu tư thêm chế biến, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được bao tiêu đến đó. Quan trọng nhất vẫn là lựa chọn sản phẩm và đầu tư công nghệ vào đó để gia tăng giá trị sản phẩm” – anh Lý chia sẻ.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho hay: Các quy hoạch nông nghiệp sau nhiều hiệu chuẩn, đã thay đổi theo cơ chế thị trường, cũng đã đi vào một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đi vào đầu tư. Nhưng phải làm sao kéo được các doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt các chuỗi giá trị với các sản phẩm lớn mang giá trị tỷ đô như cây tiêu, cây cà phê. Đối với các sản phẩm cấp địa phương, đặc sản vùng miền, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể tập trung phát triển được. Bởi lẽ những sản phẩm này nhỏ nhưng lại có thị trường “bao la” để chinh phục.

Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường (Bộ KHCN): Địa phương nào có sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, thì giá trị hàng hoá đó được nâng cao. Một khi đã có nhiều sản phẩm địa phương, khi xác định được chủ lực thì vai trò của KHCN phải cao hơn nữa và tạo nó thành sản phẩm hàng hoá, tiếp cận thị trường. Áp dụng KHCN từ thấp đến cao, tuỳ theo mức độ của mình. Nếu làm được như vậy cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất là đa dạng và tiềm năng.

Trong khuôn khổ Hội nghị "Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp", Ban Tổ chức đã vinh danh, trao thưởng 3 mô hình khởi nghiệp thành công và 10 mô hình khởi nghiệp xuất sắc; 10 mô hình khuyến khích. Đây là những mô hình khởi nghiệp được Ban Chuyên gia đánh giá, chọn lọc từ 43 hồ sơ phù hợp với thể lệ của chương trình phát động khảo sát, lựa chọn, giới thiệu và đề cử từ Hội ND các tỉnh, thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem