Chiến đấu với bom mìn

Thứ tư, ngày 29/12/2010 21:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện số bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, đây chính là mặt trận mà Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh đang phải chiến đấu để đem lại sự bình yên cho cuộc sống.
Bình luận 0

Những kỷ niệm "kinh hoàng"

Dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, thế nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn - Binh chủng Công binh, lại có thể làm bất cứ ai giật mình bởi những chiến công trên mặt trận bom mìn của ông.

img
Phá quả bom nửa tấn tại mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)

Nói về công việc được coi là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của mình, ông trầm tư: "Có lẽ rất nhiều người đã được xem đoạn phim tài liệu phát trên truyền hình Việt Nam về một vụ nổ bom mìn, có 3 cháu bé văng ra, chết tại chỗ. Đó là cảnh quay trực tiếp tại một buổi tiêm chủng mở rộng ở Cam Lộ, Quảng Trị, một cháu bé đến tiêm chủng đã vô tình đạp phải vật nổ sót lại.

Vụ nổ xảy ra ngay trước ống kính máy quay. Nhưng có một chi tiết người xem không được biết, đó là có một cháu còn cố gọi "mẹ ơi" trước khi lịm hẳn đi. Tiếng kêu tuyệt vọng, đau đớn tột cùng của cháu bé làm tôi ứa nước mắt.

Một lần khác, trong chuyến công tác tại tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi được chứng kiến hoàn cảnh thương tâm của 3 em bé dưới 10 tuổi là chị em ruột trong một gia đình bị tai nạn bom bi. Do điều kiện đói nghèo, bố mẹ phải đưa các em đi khai hoang nhưng tai nạn đã xảy ra. Sau khi bị mất cả ba đứa con cùng một lúc, vợ chồng họ đã bỏ đi đâu không rõ.

Nhìn ảnh thờ các em bé xinh xắn, mặc áo trắng học trò, đeo khăn quàng đỏ mà tôi cảm thấy đau thắt trong lòng. Nếu mỗi ai trong chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh ấy chắc hẳn cũng đều bàng hoàng và khó có thể chịu được nỗi đau mất hết những đứa con do hậu quả bom mìn".

Trước thực trạng đó, Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh với vai trò là người trực tiếp phụ trách một đơn vị xử lý tháo gỡ, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đã rất nỗ lực trong công việc của mình.

Nhắc đến những kỷ niệm "kinh hoàng" trong cuộc đời phá bom, ông Cảnh kể: Một lần, khi được thông báo khả năng có một quả bom cỡ lớn của Mỹ còn sót lại ở vùng núi cao tỉnh Bình Định, anh em chúng tôi đã có mặt ngay để khảo sát. Bắt tay vào công việc mới thấy ngỡ ngàng là quả bom quá lớn, có chiều dài tới hơn 3m, chưa kể đến chiều dài phần đuôi bom, đường kính bom hơn 1m và chứa hơn 4 tấn thuốc nổ.

Nếu nổ, bom có thể san phẳng một quả đồi, tạo ra một hố có đường kính 300m với diện tích hố hơn 7ha. Về lý thuyết, sức công phá của loại bom này khi nổ trên mặt đất có thể làm sạch một diện tích khoảng vài chục hecta.

Quả bom này có cách lắp ngòi nổ khác thường, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là có thể lấy đi sinh mạng chiến sĩ của mình. Không chịu bó tay trước một công việc khó và nguy hiểm, bằng kinh nghiệm từng trải và sự vững tin của bản thân, Đại tá Cảnh đã trực tiếp cùng anh em bắt tay vào cuộc.

Vật lộn suốt gần ba tuần dưới ánh nắng oi bức của miền Trung và công việc cận kề với cái chết, cuối cùng, ngòi nổ và bốn tấn thuốc nổ đã được tách ra khỏi vỏ bom.

Sáng tạo cho cuộc sống bình yên

Với những thành tích đạt được, Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh đã nhiều năm liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được nhận Bằng khen của Chính phủ và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Để có những thành quả trong công tác rà phá bom mìn, giành lại sự sống và mang lại sự bình yên cho nhân dân, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công binh giữa thời bình vẫn âm thầm làm nhiệm vụ và lặng lẽ hy sinh trên mặt trận này.

Chứng kiến một đồng chí Phó Chủ nhiệm kho quân khí của Tổng cục Kỹ thuật bị hy sinh khi tháo gỡ bom chùm phốt pho của Mỹ bằng phương pháp thủ công, Đại tá Cảnh cứ trăn trở mãi. Đây là loại bom dễ bị kích hoạt, nổ và gây cháy, vỏ bom rất mỏng, dễ bị thủng làm phốt pho thoát ra. Phốt pho cứ tiếp xúc không khí là bốc cháy, gây bỏng toàn thân dẫn đến cái chết không thể cứu được.

Ông Cảnh đã cùng anh em quyết tâm nghiên cứu, suy nghĩ và sáng chế ra hệ thống giá phóng, phóng bom xuống hố để bom tự nổ cháy. Nhờ giải pháp này, trung tâm đã xử lý, huỷ an toàn hết số bom chùm phốt pho nguy hiểm còn lại.

Trong dò tìm xử lý bom mìn thì điều quan trọng trước tiên là phải phát hiện được hết bom mìn nằm trong lòng đất. Sử dụng biện pháp thủ công như dùng thuốn, các vật dụng khác để xăm, thuốn, kết hợp máy dò và đào xác định cụ thể thì sẽ mất rất nhiều thời gian, tốc độ rất chậm và cứ mỗi khi có vật thể rắn, nhiễm từ lại phải đào lên mới xác định được là bom đạn hay không. Mua máy dò hiện đại của nước ngoài cũng rất đắt tiền.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh đã tổ chức nghiên cứu và thiết kế được phần mềm gắn cho máy dò bom đạn. Sau nhiều lần thất bại, kết quả thực tế đến thật bất ngờ. Phần mềm do nhóm của ông Cảnh nghiên cứu, sản xuất ra kèm máy tính mini chuyên dùng không kém gì nhập của nước ngoài, có những tính năng còn vượt trội như dễ dàng nhận dạng, xác định được ngay chủng loại, hình dạng, kích thước, trọng lượng và độ sâu của bom đạn đang nằm trong lòng đất.

Thắng lợi này đã giúp các chiến sĩ công binh có phương tiện tốt hơn trong dò tìm và xử lý bom mìn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem