Người phụ nữ khiến lúa "đẻ" tiền tỷ gây chấn động

Thứ ba, ngày 28/12/2010 11:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ được biết đến với Giải thưởng Kovalevskaia, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm còn làm "chấn động" giới khoa học khi chuyển nhượng một giống lúa lai cho một doanh nghiệp tại Nam Định với giá 10 tỷ đồng...
Bình luận 0

Nặng tình với lúa

img
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm.

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng tôi mới có được cuộc trò chuyện ngắn ngủi với PGS-TS-NGND Nguyễn Thị Trâm (giảng viên Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) trước phiên trù bị Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Đầu tháng 6-2008, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng giống lúa lai TH3-3 với giá 10 tỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Nam Trực, Nam Định. Đây là thương vụ mua bán bản quyền giống lúa có giá trị cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Với nụ cười thân thiện, bà mở đầu câu chuyện về mình bằng tuổi thơ đầy biến động: "Thuở nhỏ, tôi phải đi học muộn vì sinh ra đúng thời loạn lạc, 3 tuổi đã phải chạy giặc vào vùng núi Võ Nhai, Thái Nguyên. Chỉ đến khi hòa bình lập lại tôi mới được cắp sách đến trường.

Vào đại học ở tuổi 20, được xếp học ngành Cây lương thực, tôi nghĩ đây là một ngành phù hợp với mình nên cố gắng học hành với mong ước góp phần làm cho nông dân có bữa cơm no. Ra trường, trong thời gian làm nghiên cứu tại bộ môn "Chọn tạo giống lúa", thầy Lương Định Của đã truyền đạt cho tôi kiến thức khoa học cơ bản, phương pháp thực hành xác thực giúp biến những kết quả nghiên cứu thành sản phẩm phục vụ xã hội”.

Năm 1980, đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô, bà Trâm chọn đề tài nghiên cứu giống lúa để có cơ hội học lý thuyết sâu sắc hơn làm cơ sở cho chuyên môn sau này. Tốt nghiệp xong, bà trở lại Trường Đại học Nông nghiệp làm giảng viên khi tuổi đã 40.

Những năm 1990, nhu cầu về hạt giống lúa lai có năng suất cao gia tăng ở mọi miền đất nước, hạt giống lai từ nước ngoài tràn vào thị trường ồ ạt tạo sức ép cho ngành giống Việt Nam.

Năm 1993, GS Trâm được Bộ NN&PTNT cho tham dự lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai tại Trung Quốc 3 tháng. Quan sát thực tế tại trung tâm, trao đổi trực tiếp với các nhà chọn giống giàu kinh nghiệm đã gợi mở trong bà những ý tưởng mới về chọn tạo giống lúa.

Lúa "đẻ" ra tiền tỷ

Nhớ lại thời gian đó, bà Trâm tâm sự: "Sau đợt học, tôi thu được nhiều kiến thức, tài liệu, phương pháp để bước vào một hướng nghiên cứu mới. Lúc này niềm đam mê chọn tạo giống cuốn hút mọi thời gian và suy nghĩ của tôi. Mặc dù chưa biết lấy phương tiện và kinh phí nghiên cứu từ đâu nhưng tôi nghĩ phải bắt đầu ngay. Tôi gieo trồng vật liệu, tổ chức sinh viên làm thí nghiệm lai tạo, đánh giá, chọn lọc... Một số công việc tỉ mỉ mất thời gian như tuốt dòng, phơi cá thể, sắp xếp, đo đếm bông hạt... tôi phải nhờ mẹ mình làm”.

Biết được khó khăn, thiếu thốn và quyết tâm của bà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn đã mời Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp 1 và bà Trâm lên gặp để cấp cho 9.000 đô la (quỹ dành riêng cho Bộ trưởng) để mua sắm một số trang thiết bị tối thiểu cho nghiên cứu.

Số tiền này đã xây được 360m2 nhà lưới, xây tường rào chống chuột cho 1 mẫu ruộng để bảo vệ lúa giống và 1 buồng điều hòa nhiệt độ để đánh giá nhân tạo các dòng vật liệu mới tạo ra. Sự quan tâm của Bộ trưởng đã thúc đẩy bà Trâm làm việc miệt mài hơn. Năm 1996, bà chọn ra 2 dòng bố, mẹ trong vườn vật liệu và sản xuất được 12kg hạt lai F1 đưa lên Bộ để Cục Khuyến nông trình diễn tại Hà Tây cùng với giống của các tác giả khác trong Bộ.

Lúa trình diễn sinh trưởng phát triển rất nhanh, cây khỏe, bông to trổ đều. Cục Khuyến nông tổ chức Hội nghị đầu bờ, mời nhiều tỉnh đến thăm và đánh giá. Mọi người khen ngợi lúa lai Việt Nam, ông Bộ trưởng phấn khởi lắm đã rút tiền mặt thưởng bà Trâm ngay trong hội thảo. Thế nhưng chỉ sau 1 tuần, lúa của bà bị bệnh bạc lá làm "cháy" gần hết đám ruộng, lá không còn màu xanh để quang hợp, làm gì còn năng suất.

Bà xấu hổ, ngậm ngùi lên xin Bộ trưởng được trả lại tiền thưởng. Ông không khiển trách gì mà động viên: "Phần thưởng này dành cho người tạo ra giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam chứ chưa phải là thưởng cho giống lúa lai tốt". “Lời nhắc nhở rất khéo của Bộ trưởng khiến tôi xấu hổ, phải tìm mọi cách nghiên cứu chuẩn mực hơn, cải tiến mọi đặc tính của giống và thận trọng hơn khi đưa giống ra sản xuất đại trà" - GS Trâm nhớ lại.

Dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bà Trâm vẫn xin nhà trường ở lại làm việc tiếp. Bà chỉ hưởng lương hưu, dùng kết quả nghiên cứu của mình để tạo ra tiền và chi trả mọi kinh phí nghiên cứu khoa học, trả lương cho cộng tác viên và mọi chi phí cần thiết khác phục vụ hoạt động nghiên cứu.

Giống lúa lai hai dòng TH3-3 cùng với quy trình nhân hạt giống bố mẹ và quy trình sản xuất hạt lai F1 được công nhận năm 2005, được trình diễn trên 26 tỉnh, thành và được nông dân chấp nhận. Sau giống lúa lai TH3-3 là TH3-4, TH3-5, TH5-1, TH7-2 và lúa thuần thơm Hương cốm.

Các giống này đều có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng nên nhu cầu về hạt giống lai tăng lên hàng năm. Nhóm nghiên cứu của GS Trâm đã quyết định chuyển nhượng bản quyền cho các công ty để họ có thể mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu của nông dân. Chuyển nhượng xong, diện tích sử dụng giống mở rộng nhanh rõ rệt. Năm 2009, diện tích sản xuất hạt lai F1 của 2 giống này chiếm trên 60% tổng diện tích sản xuất hạt lai trong nước, cung cấp trên 1.000 tấn hạt lai/năm cho nông dân các tỉnh phía Bắc.

------------------

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem