Vì sao 8 thiếu niên Thái Lan bị cách ly sau khi thoát khỏi hang?
Lực lượng cứu hộ dùng ô che cáng được đưa từ trực thăng vào xe cứu thương. Ảnh: AFP.
Dù sau 2 tuần mắc kẹt, 8 thiếu niên đã được đưa ra ngoài vẫn chưa thể gặp gia đình. Trả lời trang tin Kim Chad Luek của Thái Lan, ông Thongchai Lertwilairattanapong, quan chức Bộ Y tế nước này, cho biết sẽ "không có ôm ấp hay động chạm" tới khi kết quả kiểm tra máu cho thấy các em không bị nhiễm khuẩn.
8 em hiện phải cách ly để kiểm tra và điều trị những vấn đề, nếu có, xuất phát từ việc ở trong hang quá lâu.
Giới chức y tế Thái Lan lo ngại về khả năng những thiếu niên đội bóng nhí có thể mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da cùng bệnh Whitmore do vi khuẩn lây truyền qua đất và nước, dẫn tới suy thận hay viêm màng não.
Ngoài ra, các em cũng có nguy cơ mắc sốt hồi quy truyền qua bọ ve hay "bệnh hang động" do hít phải bào tử nấm Histoplasma. Sốt hồi quy hay sốt định kỳ được đặc trưng bởi việc cơn sốt lặp đi lặp lại, với vài ngày nhiệt độ lên cao rồi vài ngày trở về bình thường nhưng sau đó tiếp tục lên cao.
Tiến sĩ Paul Auerbach, giáo sư y khoa cấp cứu tại Đại học Stanford, cho hay bào tử nấm Histoplasma sinh sôi mạnh ở các hang động và thường được tìm thấy trong chất thải của loài dơi.
"Bệnh hang động" chủ yếu ảnh hưởng đến phổi. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện sau 3 tới 17 ngày kể từ khi tiếp xúc với bào tử nấm.
"Với người có hệ miễn dịch bình thường, 'bệnh hang động' thường diễn ra mà bệnh nhân không biết mình mắc nó", ông Auerbach nói. "Trong hầu hết các trường hợp, họ có thể sốt nhẹ, ho rồi tự khỏi, giống như một căn bệnh do virus gây ra".
"Tuy nhiên, ở vài trường hợp, nó có thể diễn biến nghiêm trọng hơn, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch kém hay đang trong tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch", giáo sư Auerbach lưu ý.
Bên cạnh đó, sau khi thoát khỏi hang, các em cũng sẽ được bác sĩ kiểm tra mức độ ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng, mất nước, cùng hàng loạt vấn đề khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.