Trả lời câu hỏi tại buổi họp báo về chiến dịch dành lại vỉa hè của các địa phương đang triển khai vừa qua có ảnh hường gì tới tăng trưởng kinh tế, bà Lê Thị Minh Thủy cho biết: Vỉa hè lâu nay là nơi kinh doanh buôn bán của nhiều cơ sở, sản xuất kinh doanh của các hộ cá thể. Trong đó, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ ăn uống. Thời gian đầu, việc lấy lại vỉa hè của các địa phương chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 3 cũng giảm 0,87%, trong đó đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%, may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%.
Cũng theo bà Thủy, riêng về dọn vỉa hè, về chủ trương, từ trước tới nay người dân đã có thói quen với mua bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống trên vỉa hè. Do đó, việc sử dụng vỉa hè tạo công ăn việc làm cho một bộ phận sản xuất kinh doanh nhất định. Như tôi đã nói, ảnh hưởng của chiến dịch lấy lại vỉa hè là có, tuy nhiên, những phản ánh về ảnh hưởng tới nguồn thu và GDP của vỉa hè trên các trang mạn xã hội, facbook mà tôi theo dõi trong thời gian vừa qua với số lượng rất lớn là chưa chính xác. Bởi thực tế, hiện nay, đóng góp vào GDP của tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chỉ chiếm 11% GDP. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể bao gồm sản xuất kinh doanh vận tải, bán buôn, bán lẻ, trong đó dịch vụ ăn uống, hàng hóa chỉ là một bộ phận của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Tất nhiên, các hoạt động này gắn liền với vỉa hè là chính nên chịu tác động nhiều nhất.
“Chủ trương lấy lại vỉa hè, về lâu dài cần phải ủng hộ, tạo văn minh đô thị và thói quen không lấn chiếm, sử dụng tài sản công cho cá nhân. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dù ảnh hưởng tới miếng cơ manh áo, thu nhập nhưng nhiều hộ nhận thức được đó là chủ trương đúng nên đã ủng hộ”, bà Thủy nói.
Cũng liên quan tới câu hỏi về siêu thị của nước ngoài đang bán hàng ngoại gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt cạnh tranh trong thị trường bán lẻ, bà Thủy cho biết: hiện siêu thị ngoại cũng đã mở nhiều ở Việt Nam, yêu tiên số 1 của họ là tiêu thụ sản phẩm của nước họ. “Qua theo dõi những năm gần đây, chúng tôi thấy nếu doanh nghiệp trong nước không tận dụng tốt cơ hội này thì sản phẩm hàng tiêu dùng của nước ngoài sẽ vào Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như sản phẩm của Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản…trong đó hàng tiêu dùng chiếm rất lớn, đi vào siêu thị, ảnh hưởng tới cạnh tranh của hàng hóa từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước”, bà Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, hiện hàng hóa Việt Nam đang yếu thế về mẫu mã, chất lượng sản phẩm so với hàng hóa của nước ngoài. Do đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng, đồng thời, cần tục có liên kết với hệ thống phân phối để tiêu thụ tốt hơn sản phẩm sản xuất từ trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.