Chiến dịch "Sự phẫn nộ của Chúa”: Màn trả thù của cơ quan tình báo Mossad

Thứ hai, ngày 30/12/2024 10:31 AM (GMT+7)
Chiến dịch "Sự phẫn nộ của Chúa" là hoạt động bí mật do Cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện nhằm ám sát những cá nhân bị cáo buộc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ thảm sát các vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich năm 1972.
Bình luận 0

Mục tiêu mà Israel nhắm tới là các thành viên nhóm Black September người Palestine - những người trực tiếp gây ra vụ thảm sát Munich. Mục tiêu khác của Israel là thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bị cáo buộc có liên quan.

Được Thủ tướng Israel Golda Meir phê chuẩn vào mùa thu năm 1972, Chiến dịch "Sự phẫn nộ của Chúa" có thể đã diễn ra trong hơn 20 năm về sau.

Trong thời gian này, cơ quan tình báo Mossad đã ám sát hàng chục người Palestine và Ả Rập trên khắp châu Âu, bao gồm cả vụ giết nhầm một người phục vụ ở Lillehammer, Na Uy. Trên phương diện quân sự, lực lượng biệt kích Israel cũng đổ bộ và tiến sâu trong lãnh thổ Lebanon để truy lùng các lãnh đạo phe kháng chiến Palestine.

Chiến dịch "Sự phẫn nộ của Chúa" từng đựợc phác họa trong bộ phim truyền hình Sword of Gideon (1986) và bộ phim Munich (2005) của đạo diễn Steven Spielberg.

Bối cảnh chiến dịch

img

11 vận động viên Israel bị sát hại ở làng Olympic tại Thế vận hội Munich năm 1972. Ảnh: Flash90.

Đêm ngày 5/9/1972, 8 thành viên nhóm vũ trang Black September đột nhập làng Olympic ở Munich (Đức), bắn chết 2 thành viên đội tuyển Olympic Israel, bắt 9 người khác làm con tin. Chính quyền Tây Đức sau đó tiêu diệt 5 trong số 8 tay súng nhưng toàn bộ 9 con tin đều mất mạng.

Hai ngày sau vụ thảm sát, Thủ tướng Israel khi đó là Golda Meir thành lập Ủy ban X với một nhóm quan chức chính phủ nhằm xây dựng kế hoạch trả đũa. Ông Meir chỉ đạo Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad Zvi Zamir xây dựng chiến dịch báo thù.

Ủy ban X đi đến kết luận rằng cần ám sát những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp vụ thảm sát theo cách kịch tính nhất với mục đích răn đe. Ngoài ra, các đặc vụ Mossad được yêu cầu không được để lộ sơ hở cho thấy Israel đứng sau.

"Báo thù chỉ là một phần. Chúng tôi muốn đối phương lúc nào cũng cảm thấy lo sợ, rằng tình báo Israel luôn ở xung quanh", cựu Phó giám đốc Mossad David Kimche sau này tiết lộ.

Công việc đầu tiên của Mossad là lập danh sách những người tham gia vụ thảm sát Munich. Mossad có danh sách này từ mạng lưới đặc vụ cũng như thông tin từ các cơ quan tình báo châu Âu. Danh sách cụ thể không được tiết lộ nhưng các chuyên gia cho rằng Mossad nhắm vào 20-35 mục tiêu, tất cả đều là thành viên tổ chức Black September và PLO. Mossad cử các đặc vụ điều tra, xác định vị trí và hành tung của các mục tiêu.

Số lượng đặc vụ Mossad tham gia chiến dịch ám sát không được tiết lộ. Theo một số nguồn tin, có 15 đặc vụ Mossad tham gia chiến dịch, gồm hai sát thủ chuyên nghiệp, hai chuyên gia vũ khí, 9 đặc vụ có vai trò theo dõi mục tiêu và lập kế hoạch rút lui. Hai đặc vụ còn lại đóng vai trò thông tin liên lạc. Một nguồn tin khác nói Mossad còn cử thêm 80 đặc vụ trong vai trò dự phòng.

Hoạt động ám sát

img

Một cảnh phim Munich (2005) của đạo diễn Steven Spielberg. Ảnh: Budapest Reporter.

Vụ ám sát đầu tiên diễn ra vào ngày 16/10/1972 ở Rome, Italia. Abdel Wael Zwaiter, đại diện PLO ở Italia bị bắn 12 phát đạn tại nơi ở. PLO nói Zwaiter không hề liên quan vụ khủng bố Munich còn Mossad cáo buộc Zwaiter là một thành viên của nhóm Black September.

Mục tiêu thứ hai là Mahmoud Hamshari, đại diện của PLO tại Pháp. Mossad tin Hamshari là thủ lĩnh nhóm Black September ở Pháp. Đặc vụ Mossad đóng giả làm phóng viên xâm nhập vào nhà của Hamshari, sau đó cài bom dưới bàn điện thoại. Ngày 8/12/1972, Mossad gọi điện cho Hamshari và quả bom phát nổ. Mục tiêu không tử vong tại chỗ nhưng qua đời sau đó 1 tháng vì vết thương nặng.

Đêm ngày 24/1/1973, Hussein Al Bashir, đại diện tổ chức Fatah thuê một phòng khách sạn ở thủ đô Nicosia, đảo Síp. Khi Al Bashir vừa tắt đèn đi ngủ thì quả bom dưới giường phát nổ do đặc vụ Mossad kích hoạt từ xa. Mossad cáo buộc Al Bashir là chỉ huy nhóm Black September ở đảo Síp.

Các đặc vụ Mossad quay trở lại Paris, Pháp vào ngày 6/4/1973, với mục tiêu là giáo sư luật Basil al-Kubaissi của Đại học Beirut. Al-Kubaissi bị tình nghi cung cấp vũ khí cho nhóm Black September. Kubaissi bị bắn chết khi đang đi bộ về nhà sau bữa tối. Giống như vụ ám sát trước đây, Kubaissi tử vong do trúng 12 phát đạn.

Nhiều mục tiêu của Mossad sống tại khu vực được canh phòng cẩn mật ở Lebanon, không thể bị ám sát bởi những phương pháp thông thường. Do đó, Israel huy động lực lượng biệt kích tiến hành hàng loạt cuộc đột kích vào những khu nhà tại Beirut và Sidon, Lebanon. Trong cuộc đột kích đêm ngày 9/4/1973, biệt kích Israel đã sát hại nhiều quan chức PLO như Muhammad Youssef al-Najjar, Kamal Adwan và người phát ngôn Kamal Nasser. Rami Adwan, con trai của Kamal Adwan, nói cha mình không hề liên quan tới thảm sát Munich mà chỉ là người tổ chức hoạt động phản đối sự chiếm đóng của Israel ở khu Bờ Tây. "Vụ thảm sát Munich là cái cớ trời cho để Israel sát hại những người chống đối", Rami Adwan nói.

Sau vài ngày tạm nhường chỗ cho lực lượng biệt kích, các đặc vụ Mossad lại tiếp tục nhiệm vụ. Ngày 11/4/1973, Zaiad Muchasi, người kế nhiệm Al Bashir, thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại khách sạn Athens ở Hy Lạp. Hai thành viên nhóm Black September là Abdel Hamid Shibi and Abdel Hadi Nakaa bị thương trong một vụ tấn công ở Rome, Italia.

Mossad sau đó nhắm tới Mohammad Boudia, người được cho là một thành viên cấp cao của nhóm Black September. Ngày 28/6/1973, Boudia thiệt mạng do quả bom mà các đặc vụ Mossad cài bên dưới ghế ngồi ô tô.

Vụ ám sát khiến chiến dịch của Mossad bị phanh phui

Mossad sau đó quay sang tìm kiếm Ali Hassan Salameh, người được cho là lên kế hoạch vụ thảm sát Munich. 10 tháng sau vụ thảm sát Munich, Mossad tin rằng đã tìm thấy Salameh ở thị trấn Lillehammer, Na Uy.

Sai lầm của nhóm đặc vụ Mossad đã gây ra bê bối lớn. Ngày 21/7/1973, nhóm sát thủ của Mossad sát hại Ahmed Bouchiki, nhân viên bồi bàn bị nhầm là Salameh. 6 đặc vụ Mossad, bao gồm 2 phụ nữ, bị nhà chức trách Na Uy bắt giữ. Những người khác, bao gồm chỉ huy Mike Harari may mắn trốn thoát về Israel.

5 trong số 6 đặc vụ Mossad bị tòa án Na Uy tuyên án tù giam. Họ ngồi tù đến năm 1975 thì được trả về Israel. Theo một số nguồn tin, chính Salameh là người đã "tương kế tựu kế", khiến đặc vụ Mossad nhận phải tin tình báo giả.

Vụ ám sát hụt đầy bê bối của Mossad đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ, buộc Thủ tướng Golda Meir phải ra lệnh dừng chiến dịch.

Chính phủ Na Uy sau đó còn tiếp tục điều tra, khiến mạng lưới đặc vụ Mossad ở châu Âu bị bại lộ. 5 năm sau khi mạng lưới bị bại lộ, Thủ tướng Israel Menachem Begin quyết định tiếp tục chiến dịch, tìm kiếm những mục tiêu còn lại trong danh sách.

Mossad bắt đầu theo dõi hoạt động Salameh khi ông ta tới Beirut vào mùa thu năm 1978. Không lâu sau, một đặc vụ Mossad nhập cảnh vào Lebanon bằng hộ chiếu Anh, thuê căn hộ trên phố Rue Verdun - con phố mà Salameh thường xuyên lui tới. Hai đặc vụ Mossad khác có bí danh Peter Scriver và Roland Kolberg sau đó cũng có mặt.

Ngày 22/1/1979, nhóm đặc vụ Mossad cài bom trên một chiếc Volkswagen đỗ trên phố Rue Verdun. Salameh và bốn vệ sĩ vừa bước xuống từ một chiếc Chevrolet thì bom xe được kích hoạt từ xa, khiến tất cả đều thiệt mạng. Sau khoảng 5 lần thất bại, Mossad cuối cùng cũng đã ám sát thành công Salameh.

Tuy nhiên, vụ nổ cũng giết chết 4 người qua đường và làm bị thương 18 người khác. 3 đặc vụ Mossad sau đó bỏ trốn không dấu vết.

Quay trở lại vụ thảm sát Munich, Jamal Al-Gashey, Adnan Al-Gashey và Mohammed Safady là 3 tay súng thuộc nhóm Black September bị nhà chức trách Tây Đức bắt giữ. 3 tay súng được trả tự do sau vụ cướp máy bay thương mại Lufthansa cách đó vài tuần. Những kẻ cướp máy bay đòi chính quyền Tây Đức trả tự do cho họ.

Có thông tin Adnan Al-Gashey và Mohammed Safady bị đặc vụ Mossad ám sát. Jamal Al-Gashey sống ẩn dật ở Bắc Phi và từng trả lời phỏng vấn năm 1999.

Đến cuối cùng, Mossad đã thành công trong việc sát hại nhiều thành viên nhóm Black September và các lãnh đạo tổ chức PLO, nhưng chủ mưu thực sự đằng sau vụ thảm sát Munich, Abu Daoud vẫn sống sót.

Không rõ lý do vì sao Israel từ bỏ các nỗ lực ám sát Daoud. Lần cuối người đồng sáng lập phong trào Fatah bị ám sát là vào năm 1981. Daoud bị trúng 5 phát đạn từ khoảng cách 2 mét ở bên ngoài khách sạn ở Ba Lan nhưng vẫn sống sót. Daoud cáo buộc kẻ gây ra vụ ám sát là một đặc vụ Palestine được Mossad chiêu mộ.

Ngày 3/7/2010, Daoud qua đời ở tuổi 73 vì suy thận tại Bệnh viện Al-Andalus, ở Damascus, Syria. Daoud từng nhiều lần khẳng định vụ tấn công ở Thế vận hội Munich "không phải là hành động khủng bố". "Chúng tôi có chiến tranh với Israel", Daoud nói trên đài Al-Jazeera vào năm 1999. "Mục tiêu chúng tôi nhắm tới không phải dân thường. Chúng tôi nhắm tới các vận động viên Israel. Họ thực ra là các sĩ quan và binh sĩ. Mọi người dân Israel đều là quân nhân dự bị", Daoud nói.

Đăng Nguyễn (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem