Chiến sĩ công an kể chuyện 10 năm bảo vệ Bác Hồ

Chủ nhật, ngày 30/12/2012 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với ông Lê Minh Thưởng ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì 10 năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ là quãng thời gian ông thấy hạnh phúc và sống có ích nhất.
Bình luận 0

Ông vẫn luôn tự hào khi kể cho mọi người nghe về công việc đó. Mỗi lần có dịp nhắc lại, hàng trăm kỷ niệm quý giá lại ùa về trong ông như mới hôm nào.

Đến xóm 2, xã Nghi Thịnh hỏi ông Thưởng thì ai cũng biết. Họ biết không phải vì nhà ông giàu hay ông đang làm quan to, chức lớn mà họ biết đến ông như một sự tự hào về người hàng xóm đã có thời gian 10 năm được giao trọng trách bảo vệ Bác Hồ.

img
Ông Lê Minh Thưởng

Những kỷ niệm khó quên

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Thưởng là sự nhanh nhẹn và phong thái khỏe khoắn ít gặp ở tuổi “xưa nay hiếm”. Mở đầu buổi trò chuyện, ông Thưởng dẫn chúng tôi vào gian phòng lưu niệm của gia đình để giới thiệu về những kỷ vật vô giá mà ông còn cất giữ được. Treo trang trọng trên bức tường giữa phòng là tấm hình ông chụp cùng với Bác và các cán bộ lãnh đạo Trung ương nhân dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị.

Ông giới thiệu tên từng người trong bức hình: "Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa, tôi bế một cháu bé trong lòng ngồi bên phải Bác, rồi lần lượt xung quanh là các ông Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Vũ Kỳ, Trần Quốc Hoàn…". Lấy tấm khăn bông lau tấm hình, ông Thưởng rưng rưng nói trong xúc động: “Với tôi, tấm hình này là vô giá. Dù nghèo đói đến mấy mà có người trả chục cây vàng, tôi cũng không bao giờ bán".

Miền ký ức ùa về, ông Thưởng nhớ lại quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Năm 1960 ông được đưa về Cục Cảnh vệ, bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ 3. Đến tháng 9/1960, ông được điều về bảo vệ Bác Hồ. Ban đầu chỉ bảo vệ vòng ngoài, dần dần ông mới được tiếp xúc với Bác nhiều hơn. 10 năm bảo vệ Bác, ông Thưởng có hàng nghìn kỷ niệm về Người. Ông nhớ lần đưa Bác đi chợ Đồng Xuân dịp Tết năm 1964. Để phòng trường hợp xấu xảy ra, mọi người phải hóa trang cho Bác và một người nữa giống như Bác.

Ông Thưởng có nhiệm vụ đi trước dò đường. Hôm đó trời mưa, lúc vào chợ, Bác đi xem quầy lương thực, thực phẩm. Lại hàng thực phẩm tự do, Bác hỏi cô bán thịt bao nhiêu tiền 1 cân. Nghe Bác nói giọng Nghệ An quen quen, cô bán thịt cứ nhìn Bác chằm chằm. Đồng chí Phạm Lệ Ninh (Trưởng phòng bảo vệ Bác) nhanh trí nhảy vào đứng che phía trước, đẩy Bác ra và hỏi lại bằng giọng bắc. Thế là cô bán thịt không để ý nữa. Thật may, chứ không cả chợ Đồng Xuân sẽ vỡ òa khi biết Bác ghé thăm.

Đặc biệt là lần Bác về Thanh Hóa. Lúc đầu Bác ngồi xe có kính đàng hoàng, nhưng sau Bác lại chuyển sang xe CTAL 69 không có kính. Lúc đó dân đông lắm, ông Hồ Văn Ban - Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ - nói Bác ngồi xe xấu nhất. Thế là dân ùa vào, mãi Bác mới đi tiếp được. Đến khi Bác vào thăm xưởng sản xuất nông cụ Thanh Hóa, một lần nữa Bác lại bị bao vây giữa rừng người. Những công nhân tại đây khi biết Bác đến thăm, dù quần áo đang bụi bẩn nhưng đều bỏ dụng cụ làm việc chạy về phía Bác để được nhìn tận mắt, nắm tận tay. Những người đi theo bảo vệ Bác như ông Thưởng phải vô cùng vất vả mới đưa được Bác ra khỏi vòng vây của mọi người.

img
Bức hình ông Thưởng (bế cháu nhỏ ngồi bên trái Bác) chụp với các đồng chí lãnh đạo T.Ư năm 1968

Suốt đời theo gương Bác

10 năm được gần gũi Bác, ông Thưởng được Bác dạy nhiều điều hay lẽ phải. Lần đầu tiên bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói cho mọi người nghe, không biết thì phải hỏi, đừng im lặng làm thinh. Im lặng có thể là dốt hoặc là tự cao, tự đại...”. Sau khi Bác mất, ông Thưởng còn ở lại sửa sang mọi thứ trong Phủ chủ tịch một năm. Thời gian sau, ông được điều về công tác ở Cục Cảnh sát hình sự. Năm 1980, ông chuyển về Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Nghệ Tĩnh với chức vụ Đội trưởng Đội săn bắt cướp.

Năm 1990, ông Thưởng về nghỉ hưu với hàm trung tá. Suốt cuộc đời hoạt động, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất. Đặc biệt, quý hơn cả là tấm Huy hiệu Bác Hồ do chính tay Bác tặng ông vào năm 1968.

Ngoài ra, còn một phần thưởng vô giá mà ông Thưởng được nhận chính là những bài học làm người mà ông học được trong suốt 10 năm gần Bác. Trong tiệc tùng Bác không bao giờ uống bia rượu. Những lúc tiếp khách, Bác cũng nâng ly nhưng không uống. Đi công tác ở đâu, Bác không bao giờ cho phép tổ chức tiệc tùng, đình đám, tránh lãng phí tiền của nhân dân.

Ông Thưởng tâm sự: “Người là lãnh tụ, là kho tàng vĩ đại của dân tộc ta. Dù có học suốt đời cũng không thể thấm nhuần hết đạo đức của Người”. Chính vì vậy, dù trong lúc đang công tác hay lúc đã về hưu, ông Thưởng luôn định hướng cho thế hệ trẻ phải học tập và làm theo tấm gương của Bác. Ngay ở trong gia đình mình, những lúc rảnh rỗi, ông lại gọi con cháu lại để kể những câu chuyện về Bác Hồ, để cho con cháu học tập, noi theo.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem