Gia đình nhà Binh nhất Cao Văn Thắng
5 tiếng trước vẫn trò chuyện với chị gái
Binh nhất Cao Văn Thắng (SN 2000, ở xóm 7, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) là một trong 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), bị gặp nạn tử vong trong vụ lở đất ở Quảng Trị ngày 18/10.
Đến ngày 20/10, ông Cao Văn Sơn (bố của Thắng) cùng người thân mới có thể đi vào Nhà thi đấu đa năng TP.Đông Hà (Quảng Trị) để đón thi thể con trai về nhà. Dự kiến ngày 22/10, thi thể của Thắng sẽ được trở về với gia đình.
Kể từ khi biết tin con trai hi sinh, ông Sơn như ngồi trên đống lửa, còn bà Nguyễn Thị Vân (mẹ của Thắng), khóc ngất lên ngất xuống, thi thoảng lại hỏi “thằng Thắng đâu rồi”.
Từ khi hay tin Thắng hi sinh, bà Vân chẳng thiết ăn uống gì
Ngồi trong góc giường, bà Vân ôm khư khư bọc quần áo ấm của Thắng. Hai ngày trước khi gặp nạn, Thắng gọi về cho bà Vân nói đang ở Quảng Trị nhưng do mưa lũ, trời lạnh, quần áo không kịp khô nên nhờ người nhà gửi vào cho.
Thế nhưng, đồ chưa kịp gửi, chàng chiến sĩ 20 tuổi chưa kịp mặc thì đã gặp nạn.
“Nó bảo với tôi cố gắng chờ con, qua đợt lũ này con sẽ xin đơn vị cho nghỉ phép để về thăm mẹ, vậy mà nó lại không giữ lời”, bà Vân khóc nấc nói.
Bà Vân bị thoái hoá khớp không đi lại được như bình thường nên phải nằm viện điều trị. Do mưa lũ nên bà vừa mới xuất viện trở về nhà, nay lại nghe tin con trai gặp nạn khiến bà đã bệnh lại càng bệnh thêm.
Chia sẻ với PV, chị Cao Thị Hằng (chị gái của Thắng) kể lại, khoảng 23h ngày 17/10, Thắng vẫn nhắn tin, trò chuyện với chị kể về cuộc sống cũng như công việc hằng ngày của bản thân.
“Em ấy còn bảo đi ngủ sớm để mai dậy làm nhiệm vụ. Nào ngờ đâu đấy lại là dòng tin nhắn cuối cùng chị em nói chuyện với nhau”, chị Hằng nói.
Theo chị Hằng, đến khoảng 4 giờ sáng 18/10, ông Sơn gọi điện thoại cho chị Hằng thông báo do mưa lũ lớn, Thắng gặp nạn ở Quảng Trị. Thấy, vậy, chị Hằng điện thoại lại cho Thắng và những người quen biết nhưng không có phản hồi.
Ông Sơn (bố của Thắng)
Lời hứa sửa nhà cho bố còn dang dở
Kể về em trai, chị Hằng buồn bã nói, Thắng là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em. Học hết lớp 12, Thắng muốn được học đàn. Chiều con, bố mẹ chị đã bán trâu, bò rồi vay thêm tiền để mua cho con trai một cây đàn organ để cậu đi học cho thỏa nỗi đam mê.
Khi kết thúc học đàn cũng là lúc giấy báo đi nghĩa vụ quân sự được gửi đến Thắng. Sắp xếp công việc, Thắng lên đường nhập ngũ. Đầu năm 2020, khi vừa tròn 20 tuổi, Thắng nhận nhiệm vụ đi đóng quân ở Thanh Hóa. Sau 3 tháng huấn luyện thì anh nhận nhiệm vụ ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại Quảng Trị.
“Mỗi ngày, em ấy đều nhắn tin về cho tôi, điện thoại cho bố mẹ để hỏi thăm tình hình sức khỏe. Em khoe ở đơn vị em được ăn uống sướng lắm, mọi người ai cũng coi nhau như anh em, dặn tôi và bố mẹ đừng có lo”, chị Hằng sụt sùi nói.
Hừng tháng Thắng được nhận khoảng 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ nhưng lúc nào cũng tích góp để mong được sửa căn nhà dột nát cho bố mẹ ở.
Giấy chứng nhận bà Vân bị khuyết tật
“Em ấy hứa với mẹ sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ trở về quê học nghề, kiếm tiền đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh. Nhiều lúc, em ấy được hỗ trợ 10 đến 20 nghìn đồng tiền điện thoại nhưng cũng lại tiết kiệm rồi gửi về cho tôi. Em ấy là con trai nhưng tiết kiệm từng đồng, từng hào một”, chị Hằng chia sẻ.
Vào Quảng Trị được mấy tháng, Thắng tiết kiệm rồi gửi về cho chị Hằng được 3 triệu đồng và dặn phải mua hết sữa và thuốc cho mẹ, vì sợ bà Vân tiết kiệm không dám ăn. Ấy vậy mà tiền chưa kịp rút, quà chưa đến tay mẹ, Thắng đã mãi mãi ra đi.
“Em ấy sẽ được bố và người thân đưa về với mẹ và gia đình nhưng ai cũng lo cho sức khoẻ của mẹ tôi. Mấy ngày nay mẹ tôi chẳng thiết ăn uống gì, cứ đòi vào Quảng Trị để gặp con. Mọi người sợ rằng khi nhìn thấy linh cữu em, mẹ tôi sẽ không trụ nổi để chịu được nỗi đau này”, chị Hằng lo lắng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.