Chiến sĩ Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng

Thứ tư, ngày 18/07/2012 19:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay, Trường Sa là khu vực nhạy cảm nhất. Nhưng trong khi đất liền tỏ ra lo lắng cho các anh thì những chiến sĩ ở nhà giàn lại vững tâm hơn bao giờ hết. Họ như những cột mốc vững vàng nơi đầu sóng.
Bình luận 0

Chậu lan rừng cho đất liền

Trong suốt câu chuyện kể với tôi, trung uý Nguyễn Hữu Thanh - Đài trưởng rada, đảo Nam Yết vẫn hay nhắc đến vợ con mình hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp. Biết tôi cũng là người quê Đồng Tháp, Thanh càng cởi mở hơn.

img
Vui văn nghệ với các chiến sĩ nhà giàn.

Trước đây khi còn công tác tại Lữ đoàn Phòng không 77, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đóng tại TP.Hồ Chí Minh, Thanh đã có một mối tình thật đẹp với cô sinh viên sư phạm năm cuối Bùi Thị Thanh Hồng. Hai năm quen nhau, đôi bạn trẻ đã quyết định tiến tới hôn nhân. Chưa đầy 4 tháng sau ngày cưới, Thanh nhận nhiệm vụ ra đảo và cũng là lúc vợ anh mang thai. Vậy rồi đến khi đứa con gái đầu lòng chào đời Thanh chưa một lần về thăm, vợ ở quê nhà đến kỳ sinh nở phải một mình vượt cạn.

“Nhớ vợ, thương con, chỉ có thể hỏi thăm, động viên qua điện thoại chứ biết sao hơn. Cô ấy cũng hiểu, thông cảm và khuyên tôi rằng: “Anh cứ an tâm công tác, ở nhà em tự lo cho mình được. Vợ lính thì cũng phải cứng cỏi và mạnh mẽ chứ, đúng không anh!?”. Câu nói ấy khiến tôi càng yên tâm và khâm phục cô ấy hơn. Dù nhiệm vụ nặng nề, gian khổ đến mấy, tôi cũng sẽ vượt qua để xứng đáng với niềm tin của gia đình cũng như của quân đội đã phó thác” – Thanh tâm sự.

Câu chuyện giữa tôi và Thanh bị ngắt quãng nửa chừng bởi đơn vị Thanh có “tình huống”, anh cùng đồng đội nhanh chóng vào vị trí. Nhìn món quà mà Thanh gửi cho ông Lê Minh Trung- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp cùng các anh em trong đoàn công tác mang về đất liền cho gia đình – một chậu lan rừng bằng vải voan do chính tay Thanh làm, cùng hộp quà được buộc cẩn thận với dòng chữ ghi bên ngoài “Gởi em và cha mẹ. Chúc cả nhà mạnh khoẻ”, tôi thấy như có gì nghèn nghẹn trong lồng ngực.

Giống như Thanh, trung uý Vũ Văn Thuấn quê ở tỉnh Bình Dương, có thời gian công tác tại đảo Trường Sa Đông gần 10 năm, và cũng ngần ấy thời gian vợ anh phải một mình thay chồng nuôi dạy con cái. Cả hai đứa con khi chào đời đều không có cha bên cạnh. Mỗi năm được về phép một lần, với Thuấn đó là khoảng thời gian để anh làm tròn trách nhiệm của một người chồng, một người cha. Thuấn chia sẻ: “Ngày nào hai đứa con cũng gọi điện hỏi han tíu tít – nào là cha ăn uống thế nào, có khoẻ không, có “ngoan” không… thấy ấm lòng lắm anh ạ!”.

Còn thiếu tá Nguyễn Văn Hùng- Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/17, cũng có trên 18 năm bám biển. Nắng gió đã làm khuôn mặt anh có vẻ già trước tuổi, bàn tay chai sạm, nước da đen nhánh, nhưng ánh mắt long lanh, ngời sáng một niềm tin. Không biết bao lần nhà giàn đối mặt với bão dữ, những đợt sóng cao vượt qua cả nóc nhà giàn, anh cùng đồng đội vẫn kiên cường bám trụ. Anh Hùng tâm sự: “Mỗi cơn bão đi qua là một thử thách với chúng tôi. Sống trên biển phải thật sự bình tĩnh trước mọi tình huống. Chỉ một chút bất cẩn có thể đánh đổi cả mạng sống”.

Hòa vào lòng biển cả

Để có ngày hôm nay - một Trường Sa ngút ngàn màu xanh - lại nhớ đến những liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi, trong số đó, không ít người ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đó là hình ảnh thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạt Ma, trước sự tấn công bằng hoả lực rất mạnh của tàu nước ngoài, anh đã động viên đồng đội không được lùi bước và chiến đấu bảo vệ đảo cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Hay như thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước nguy cơ mất đảo, anh đã mưu trí, dũng cảm, bình tĩnh chỉ huy tàu HQ 505 vừa nổ súng vừa cho tàu lao lên bãi đá ngầm Cô Lin, tạo nên một chiến hạm nổi chiến đấu và cũng là để khẳng định chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm của Việt Nam…

Rồi đến sự việc xảy ra vào đầu tháng 12.1990, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, sức gió giật trên cấp 12. Trung uý Nguyễn Hữu Quảng - Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần đã bình tĩnh cùng đồng đội ra sức chống chọi với bão dữ. Gió càng lúc càng mạnh, quật đổ nhà giàn, hất tung anh cùng 7 cán bộ, chiến sĩ xuống biển.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng- Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/17 cho biết: “Hiện nay, tất cả nhà giàn đều được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới với diện tích rộng và kiên cố hơn. Điều kiện sinh hoạt cũng được cải thiện nhiều. Điện sinh hoạt, sóng truyền hình vệ tinh, điện thoại… không khác gì đất liền. Mỗi khi có thông tin bão đổ bộ vào khu vực, anh em được đưa xuống tàu vào các đảo trú ẩn”.

Trong lúc nguy nan ấy, trung uý Nguyễn Hữu Quảng đã động viên, hỗ trợ đồng đội chống chọi với từng đợt sóng hung hãn. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, sự sống và cái chết cận kề, Nguyễn Hữu Quảng quyết định nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho đồng đội yếu nhất, còn mình thì hoà vào lòng biển cả…

Không chỉ là lá chắn kiên cố giữa biển khơi, Trường Sa còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân. Hiện nay, ở một số đảo đã xây dựng được âu tàu, giúp cho tàu thuyền đi biển có nơi trú ẩn an toàn khi gặp bão. Ngoài ra, các đảo cũng hỗ trợ gạo, nước ngọt, xăng dầu…, tổ chức cứu hộ, cứu nạn; cấp thuốc và chữa bệnh miễn phí cho ngư dân trên biển.

Theo thượng tá bác sĩ Trần Văn Nam- Bệnh xá trưởng, hàng tháng có gần trăm lượt ngư dân thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bình Định đánh bắt hải sản trên các tàu vào đảo để xin thuốc hoặc cấp cứu. Phần đông ngư dân đi biển thường bị tai nạn hoặc bị bệnh giảm áp, gây phù nề cơ thể, nếu không kịp thời cấp cứu và điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Việc đầu tư về trang thiết bị y tế cũng như lực lượng y, bác sĩ có chuyên môn tại các đảo như hiện nay đã góp phần chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ an toàn tính mạng cho ngư dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem